Hè đến, tôi thích cái cảm giác một mình lang thang những nơi góc phố hay ở những chợ đầu mối, nơi có những hàng quán lụp xụp dưới những tấm bạt xanh nhưng lại ẩn chứa những món ăn vặt có một không hai. Nào là cóc dầm cay xè lưỡi, là những chiếc kem được đóng trong chiếc túi ni lông nhỏ xíu, hay là những chiếc bánh rán thơm lừng được người ta đựng trong chiếc rổ tre. Những chiếc bánh rán nhỏ xíu, mà công đoạn làm lại lỉnh kỉnh vô cùng, bởi vậy chả mấy khi tôi tự làm nó cả, thèm thì tìm ra góc chợ là có ngay.
Khi nhắc đến mấy món ăn vặt bữa xế chiều, chẳng ai mà quên không nhắc đến tên món “bánh rán”. Bánh Âu, bánh tàu có nhiều loại lắm, bánh rán của Việt Nam cũng chẳng kém phần, nào là những chiếc bánh tròn tròn, phủ đường trắng bên ngoài, cắn một miếng lớp đường vỡ ra, tan trong miệng hòa với vỏ bánh đã được rán vàng sẫm giòn rụm, mua nhanh ăn cũng nhanh. Nào là chiếc bánh chuối, bánh khoai thơm lừng, ngọt lịm là chiếc bánh tôm, bánh cam ăn một lại muốn ăn hai,…
Bột bánh rán thường dùng là bột mỳ hoặc bột nếp, nhưng tôi lại đặc biệt có niềm yêu thích với những cái bánh được làm từ bột nếp. Những chiếc bánh cam hay còn gọi là bánh lúc lắc được làm từ bột nếp có ưu điểm là lớp vỏ thường giòn hơn, khi ăn bánh sẽ có hương thơm của mùi gạo nếp, cái hương đặc trưng của làng quê. Một số người bảo họ thường làm bằng bột gạo nếp khô, được đóng gói sẵn chỉ việc pha chế là được, khi ăn tôi lại có cảm nhận những chiếc bánh đó có hương vị không thể nào ngon bằng cách làm của cô bán bánh rán ở góc chợ gần nhà. Cách cô làm bột rất hay, gạo nếp loại ngon, đem đi xay “bột nước”, bột sau khi xay xong thì cho vào chiếc túi vải thật dày để ép nước ra lấy bột. Chỉ có loại bột làm theo phương thức ấy khi mang rán bánh mới thật giòn mà để lâu không trở nên cứng và dai nhoách như những loại bột khác.
Nhân bánh ngọt thường là nhân đậu xanh được hấp chín, tán nhuyễn có cho thêm đường hoặc không nhân bánh mặn sẽ là chút thịt lợn, mộc nhĩ, miến và chút nấm hương đem xào qua. Bột được, nhân ngon đến khâu nặn bánh, khâu nặn này không phải ai mó tay vào làm mà cũng được, bột giàn tròn ở lòng bàn tay, ấn nhẹ cho hơi lõm, rồi khéo léo cho nhân vào. Nặn đều tay để nhân không bị lồi ra ngoài lớp vỏ. Nếu là bánh rán ngọt (bánh cam) người ta sẽ lăn bánh với một lớp vừng trắng. Lúc rán bánh phải dùng một chảo đầy dầu, dầu nóng mới cho bánh vào để rán, có như vậy thì bánh mới không bị ngấm nhiều dầu mỡ, và vỏ bánh sẽ vàng đều hơn. Bánh chín vàng, vớt ngay lên trên chiếc giá cho ráo dầu.
Bánh rán cam ngon phải là chiếc bánh tròn vo, có lớp vỏ giòn, cầm lên lắc nhẹ thì nghe thấy tiếng lộc cộc do vỏ bánh và nhân tách nhau. Khi cắn một miếng thấy lớp bột bên trong dẻo, có cảm giác hơi trong trong chứ không đục như khi dùng bột mỳ, nhân đậu xanh thơm và ngọt vừa phải hợp với lớp vỏ bên ngoài, còn với bánh mặn thì sẽ thơm lừng mùi mộc nhĩ, nấm hương. Bởi thế mà có một thời gian dài tôi chết mê với món bánh rán nơi góc chợ ấy, vì không chỉ bánh rán ngon mà nước chấm để chấm bánh rán mặn cũng ngon vô cùng, là thứ nước mắm chua ngọt với dưa góp được làm rất khéo. Một miếng bánh rán vàng rộm, chấm nước mắm, cắn một thật to cảm nhận được vị thơm của gạo nếp, lớp vỏ ngoài giòn rụm, lớp bên trong dẻo và nhân thì thơm nức mùi nấm hương. Nghĩ lại mà thèm đến mất ngủ.
Làm bánh rán thì không hề đơn giản, mà giá bán của chúng lại rẻ vô cùng. Còn nhớ cách đây vài năm chỉ là 500 đồng, nhưng giờ có tăng cũng chỉ đến 2000-3000 đồng dù bán ở nơi góc chợ hay là ở những quán ở trên phố cổ. Ăn gì cho rẻ? Ăn ngay bánh rán, vừa rẻ lại vừa no mà cái khoản ngon thì khỏi cần bàn. Quá tuyệt cho những bữa vặt buổi xế chiều!
Yummi Cake
Ảnh: Emdep
- Quà cho bé: bánh pie táo vừa ngon vừa đảm bảo
- Cách làm bánh chưng mini nhanh chóng
- Cách làm bánh flan bí đỏ cho làn da quyến rũ
- Mềm mại bánh bao nhân đậu đỏ ngon mê ly
- Ứa nước miếng với bánh trứng nhân nho khô mềm mịn
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.