Chim ác là

Chim ác là
Tên Latin: Pica pica sericera
Họ: Quạ Corvidae
Bộ: Sẻ Passeriformes
Nhóm: Chim

Chim trưởng thành vai, sườn, bụng trên và hông trắng. Các phần còn lại có màu đen với một vài nơi có ánh tím và lục. Lông cánh sơ cấp có phần chính của phiến trong trắng, nhìn thấy rõ lúc bay. Mắt nâu thẫm. Mỏ và chân đen.

Sinh học:

Chim bắt đầu làm tổ vào đầu cuối tháng 1. Tổ có hình cầu, đường kính ngoài 50 – 70cm, cửa vào một bên rộng 12 – 15cm. Tổ làm bằng cành cây nhỏ, cỏ, bùn, trong lót cỏ mịn, lông. chim cái đẻ 4 – 5 trứng có màu xanh với vệt nâu hung đỏ, kích thước trung bình (35, 5 x 25, 3mm) ở miền bắc Việt Nam gặp chim non rời tổ vào tháng 5, 6. Thức ăn gồm cào cào, cánh cứng, nhái, giun và hạt ngũ cốc. Thời gian thay lông vào cuối tháng 4 – 10.

Nơi sống và sinh thái:

Chim ác làThường kiếm ăn trên mặt đất và làm tổ trên các cây cao ở các sinh cảnh khác nhau như ven rừng, savan, đất trồng trọt, vườn làng và thành phố. Tổ làm tập đoàn hay riêng lẻ và thường được sử dụng trong nhiều năm.

Phân bố:

  • Việt Nam: Bắc và Trung bộ ranh giới phía nam đến khoảng Nha Trang.
  • Thế giới: Đông Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, nam Nhật Bản.

Giá trị: Nguồn gen quý, cần được bảo vệ.

Tình trạng:

Vào khoảng truớc những năm 1966 – 1967 chim ác là khá phổ biến ở các nơi trong vùng phân bố. Từ đó đến nay số lượng chúng bị giảm nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu có thể là do môi trường sống và nguồn thức ăn bị ô nhiễm nặng bởi các chất CI, DDT sử dụng trong nông nghiệp và các chất 2, 4D, 2, 4, 5 – T ở vùng phân bố phía Nam trong thời gian chiến tranh. Sáng ngày 2/5/1991 ở địa phận xã Lộ Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế lần đầu tiên sau nhiều năm điều tra nghiên cứu đã quan sát thấy 4 con bay ngang qua đường quốc lộ số 1.

 

Theo Sinh vật rừng Việt Nam