Chim bị ruồng bỏ khi nhan sắc tàn phai

Chim bị ruồng bỏ khi nhan sắc tàn phai

Khi mức độ quyến rũ của chim mái giảm, chim trống sẽ ít về tổ mà la cà bên ngoài tổ nhiều hơn, số lần kiếm mồi cho chim con cũng giảm.

>>>Chim nông thôn khó ‘lấy vợ’ thành thị

Sẻ ngô là loài chim có bộ lông màu xanh da trời và vàng. Chúng sống định cư và phân bố ở châu Âu và Tây Á. Cả con trống và con mái sống chung với nhiều bạn đời trong suốt cuộc đời của chúng. Chỏm lông trên đỉnh đầu chúng phản chiếu tia cực tím. Khả năng phản chiếu tia cực tím càng lớn thì mức độ hấp dẫn của chim càng cao.

Từ thập niên 1970, các nhà điểu học đã biết rằng đa số các loài chim đều có thể cảm nhận được tia cực tím, giống như nhiều loài côn trùng, nhện, cá, bò sát và cả một vài loài có vú (gặm nhấm). Võng mạc của chim có một khác biệt cơ bản: Trong khi ở người chỉ có 3 loại tế bào hình nón nhạy cảm với ánh sáng đỏ, xanh lục và xanh dương, loại chim lại có thêm một loại tế bào nhạy cảm với tia cực tím. Vì thế mà cảm nhận của con người về thế giới xung quanh không hề giống chim.

Chim bị ruồng bỏ khi nhan sắc tàn phai
Chỏm lông trên đầu là thước đo mức độ hấp dẫn của chim sẻ ngô xanh.

Để tìm hiểu vai trò của “sắc đẹp” đối với đời sống lứa đôi của chim sẻ ngô xanh, một nhóm chuyên gia của Viện Phong tục Konrad Lorenz tại Áo bôi dầu chứa hóa chất chặn tia cực tím vào phần lông trên đỉnh đầu của một số chim mái, AFP đưa tin.

Họ cũng bôi dầu lên lông đầu của một số con chim mái khác, nhưng loại dầu này không chứa hóa chất chặn tia cực tím, để đảm bảo rằng mùi dầu không phải là nguyên nhân khiến con trống xa lánh con mái.

Kết quả cho thấy, sau khi lông trên đầu những con mái mất khả năng phản chiếu tia cực tím, thời gian hoạt động đơn độc của chim trống tăng lên và số lần mang mồi về tổ để nuôi con của chúng cũng giảm.

Tình trạng tương tự không xảy ra ở nhóm chim mái được bôi loại dầu không chứa hóa chất chặn tia cực tím.

“Mức độ phản chiếu tia cực tím của chỏm lông trên đầu chim mái có vai trò lớn đối với sự đầu tư của chim trống vào việc chăm sóc con. Số lần tha mồi về tổ của chim trống sẽ giảm nếu khả năng phản chiếu tia cực tím của chỏm lông trên đầu chim mái giảm”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Matteo Griggio, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho hay, những con sẻ ngô đực dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động độc lập, dù chúng thực hiện những hoạt động đó gần tổ của chúng.

“Có lẽ chim trống muốn giữ sức cho con mái khác hấp dẫn hơn trong mùa sinh sản sau”, Griggio nhận xét.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, do sự “háo sắc” của con trống, chim sẻ ngô mái phải dành nhiều thời gian cho việc rỉa lông để duy trì “nhan sắc”. Trong môi trường hoang dã, khả năng phản chiếu tia cực tím của lông chim giảm bởi bụi, tình trạng ô nhiễm không khí hoặc sự hiện diện của ký sinh trùng trên cơ thể chim.

 

Theo VNE