Chất thải của chim cánh cụt chưa từng được coi là hiểm họa đối với môi trường. Nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, đó là tác nhân chính gây tích tụ thạch tín ở Nam cực.
Một nhóm chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia của Trung Quốc đã tiến hành đo lượng thạch tín trong phân của ba loài chim và hai loài hải cẩu sống trên đảo Ardley thuộc Nam cực.
Kết quả cho thấy phân của chim cánh cụt Gentoo chứa nhiều thạch tín hơn phân của tất cả những động vật tại Nam cực – gần gấp hai lần hải âu và ba lần hải cẩu.
Nhóm nghiên cứu đo tỷ lệ thạch tín trong những mẫu trầm tích từ một đảo không có chim cánh cụt ở Nam cực nhưng có cấu tạo địa chất tương tự đảo Ardley. Kết quả cho thấy tỷ lệ thạch tín ở đó chỉ bằng một nửa so với đảo Ardley. Họ quyết định tìm hiểu mối tương quan giữa số lượng chim cánh cụt và tỷ lệ thạch tín trong đất.
Chim cánh cụt Gentoo. Ảnh: coolantartic.com. |
Một nghiên cứu vào năm 2000 từng chứng minh rằng phân của chim cánh cụt làm thay đổi cấu tạo địa hóa học của các lớp trầm tích dưới đáy hồ. Các nhà khoa học lấy bùn từ đáy một hồ ở đảo Ardley để tìm hiểu sự thay đổi lượng thạch tín trong 1.800 năm qua, đồng thời ước lượng sự thay đổi số lượng chim cánh cụt.
Họ nhận thấy những thay đổi về số lượng ở chim cánh cụt luôn kéo theo những thay đổi về lượng thạch tín dưới đáy hồ theo tỷ lệ thuận.
Thạch tín là chất gây ô nhiễm môi trường có trong nước. Nó được hấp thụ bởi các loài nhuyễn thể rồi lan truyền trong chuỗi thức ăn và xâm nhập vào cơ thể những loài săn mồi như chim cánh cụt.
Hiện các chuyên gia chưa giải thích được tại sao phân của chim cánh cụt lại chứa nhiều thạch tín hơn phân của các loài động vật khác ở Nam cực, chẳng hạn như hải cẩu.
Theo Việt Linh – VnExpress (Newscientist)