Chim dẽ giun lớn có thể bay 4.000 dặm (hơn 6.000 km) với tốc độ 60 dặm/giờ mà không cần dừng lại để ăn hoặc uống nước.
Chim dẽ giun có tên gọi khác là loài chim lội nước, có kích thước gần bằng chim bồ câu nhỏ. Loài này thường trú ngụ mùa hè ở Đông Âu, sau đó di cư đến châu Phi mùa đông.
Dẽ giun được xem là một trong những con vật có khả năng chịu gian khổ nhất trong thế giới động vật (Ảnh: Utahbird.org).
Các nhà nghiên cứu người Anh và Thụy Điển gắn thiết bị điện tử vào 3 con chim dẽ giun đực, theo dõi hành trình bay của chúng từ châu Âu đến châu Phi. Kết quả cho thấy có một con chim thực hiện chuyến bay dài 3.834 dặm trong 3 ngày, một con khác bay 4.445 dặm trong 3 ngày rưỡi, con còn lại bay 2.871 dặm trong 48 giờ.
Đến mùa xuân, họ theo dõi hành trình tương tự của những chú chim này, và tốc độ bay của chúng là khoảng 33-60 dặm/giờ. Trong hành trình bay, chúng không hề dừng lại để kiếm thức ăn như các loài chim lội nước khác.
Grahame Madge, thành viên của Hiệp hội Hoàng Gia bảo vệ loài chim (RSPB), Anh cho biết: “Loài chim dẽ giun lớn thường có mỏ lớn. Thật ngạc nhiên khi chúng có thể bay quãng đường dài mà không hề nghỉ ngơi. Một số loài chim khác thường nghỉ cố định và thường xuyên tại một số điểm để lấy lại năng lượng”.
Loài chim này trước đây thường thấy ở Anh, nhưng chúng bị săn bắt rất nhiều. Ngày nay, loài chim này trở nên hiếm, thường mỗi năm người ta phát hiện được 2-3 con.
Nhiều loài chim khác có thể bay với quãng đường lớn hơn, nhưng tốc độ thì không nhanh như loài dẽ giun này. Chẳng hạn như chim nhạn ở Bắc Cực bay 50.000 dặm mỗi năm để di cư từ Bắc Cực đến Nam Cực và ngược lại. Nhưng cuộc hành trình của chúng kéo dài trong nhiều tháng.
Vì vậy, loài dẽ giun được xem là một trong những con vật có khả năng chịu gian khổ nhất trong thế giới động vật.
Theo Bee.net