Chẳng khác gì ông bà nội ngoại vẫn chăm trẻ cho những cặp cha mẹ bận rộn, lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy những con chim cao tuổi cũng hành xử theo cách tương tự.
Trong hơn 10 năm, nhà sinh thái học phân tử David Richardson từ Đại học Đông Anglia ở Anh và cộng sự đã điều tra chim chích Seychelles, một thời là loài chim hiếm nhất thế giới do sự giết hại của con người. Các nỗ lực bảo tồn đã kéo loài chim nhiệt đới này trở về từ bờ vực tuyệt chủng.
Hòn đảo nơi được nghiên cứu là bãi đẻ của một nửa triệu con chim biển. Phân chim rơi như mưa khiến cho việc “đội mũ là bắt buộc!”. Ngoài ra, mặc dù đảo đẹp như thiên đường, song nó cũng đầy muỗi và bạn phải may mắn lắm mới tránh khỏi bị 300-400 nhát muỗi đốt mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, giống như con người, những con chim trưởng thành già hơn không còn sinh đẻ nữa thường giúp các con của chúng chăm cháu. Khoảng 2/3 số chim mái già giúp các con gái của chúng nuôi con bằng việc ấp trứng hoặc chăm những lứa chim non chưa rời tổ. Điều này giúp “ông bà” chim bảo vệ được di sản gene của mình, Richardson phỏng đoán.
Tất nhiên, vẫn có những con mái tiếp tục đẻ, trong khi những con khác đã dừng quá trình sinh sản của chính mình để lên chức bà và phục vụ cháu. Nhóm nghiên cứu giờ đây muốn tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt này.
Trong một nhóm rất nhỏ các loài động vật có vú khác, chẳng hạn cá voi hoa tiêu và một số loài khỉ, các nhà nghiên cứu thỉnh thoảng cũng bắt gặp các con trưởng thành già hơn đóng vai trò có thể là của ông bà. Tuy nhiên, hành vi này vẫn thường bị bỏ qua.
Chim chích Seychelles, loài chim duy nhất được biết tới nay là có hành vi chăm sóc cháu. (Ảnh: LiveScience) |
T. An
Theo theo LiveScience, Vnexpress