Một con chim cất tiếng hót líu lo bên ngoài cửa sổ vào buổi sáng đánh thức ta ngủ dậy. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy thời gian chim gáy không cố định. Nó sẽ cất tiếng gáy sớm hơn do tác động từ ánh sáng nhân tạo và tiếng ồn của con người.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Seville ở Tây Ban Nha cho biết, ánh sáng nhân tạo và tiếng ồn giao thông kích thích các loài chim cất tiếng gáy sớm hơn vào buổi sáng. “Trước đây đã có những nghiên cứu đánh giá tác động của ánh sáng nhân tạo đến tiếng chim hót, nhưng nghiên cứu của chúng tôi là công trình đầu tiên khảo sát ảnh hưởng của tiếng ồn. Chúng tôi quan sát thấy rằng các loài chim sáo và chim sẻ sẽ hót sớm hơn do tác động của tiếng ồn”, Arroyo, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Thời gian chim gáy không cố định. Nó sẽ cất tiếng gáy sớm hơn bởi tác động của ánh sáng và tiếng ồn.
Trong nghiên cứu này, Arroyo và các đồng nghiệp tiến hành thử nghiệm trên các đường phố ở thành phố Seville, họ khảo sát ảnh hưởng của tiếng ồn giao thông vào buổi sáng ở những nơi chim thường xuyên tụ tập.
“Khoảng ba giờ trước khi bình minh, chúng tôi đi đến các đường phố, những nơi mà chúng tôi đã ghi lại tiếng ồn giao thông vào giờ cao điểm và phát lại các bản ghi âm này qua loa phóng thanh, cường độ âm đặt ở 65 decibel. Bằng cách này chúng tôi có thể biết được ảnh hưởng của tiếng ồn giao thông đến thời gian thức dậy của chim”, Arroyo giải thích và cho hay, nghiên cứu được tiến hành trên 12 con phố là những nơi được coi là ồn ào nhất. Kết quả là những loài chim ở đây thức dậy và cất tiếng hót sớm hơn từ 20 đến 30 phút so với trước đợt thử nghiệm.
Nghiên cứu này cho thấy, dường như các loài chim rất thích nghi với cuộc sống ở thành thị, chẳng hạn chim sẻ, chúng rất nhạy cảm với những biến động của các yếu tố môi trường, trong trường hợp này, cụ thể là tiếng ồn.
Theo Vietnamnet, Nature