Chín tháng thai nghén cậu bé Roboy

Các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Trí óc Nhân tạo (AI Lab) thuộc trường Đại học Zurich đang ấp ủ kế hoạch chế tạo một chú Robot có vóc dáng tương đương với một cậu bé biết đi.

Chú robot mang tên Roboy này được khẳng định là sẽ thân thiện và đáng yêu hơn bất cả một mẫu robot nào trước đó. Nắm bắt được tâm lý của người dùng không muốn có một chú robot toàn sắt thép đi lại trong nhà, các nhà khoa học của AI Lab đã sử dụng công nghệ “robot mềm” để chế tạo Roboy. Công nghệ này sẽ mô phỏng cơ thể con người và “đắp” vào thân hình cao 1,2 mét của “cậu bé” Roboy này. Với công nghệ này, AI Lab cho rằng chủ nhân của Roboy sẽ rất thoải mái trong giao tiếp hàng ngày cùng chú robot này.

Cậu bé Roboy

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, các mô hình thiết kế cho thấy, Roboy không hoàn toàn đã có dáng vẻ đáng yêu. Thực tế, người ta có thể cảm nhận dáng vẻ của Roboy giống như một nhân vật nửa người nửa máy hay xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng, chứ không hẳn là một cậu bé kháu khỉnh. song, quá trình chế tạo chú người máy này vẫn đang được tiếp tục và các nhà thiết kế chắc chắn sẽ có những thay đổi phù hợp để cậu bé Roboy trở nên đáng yêu hơn.

Một điều khá thú vị là thời gian để hoàn thành chế tạo cậu bé Roboy này sẽ là chín tháng, tương đương với thời gian thai nghén của một bà mẹ để mong chờ cho ra đời một cậu bé đáng yêu.

Các công đoạn chế tạo Roboy được bắt đầu từ hồi tháng 6 vừa qua với 15 thành viên dự án cùng 40 kỹ sư và nhà khoa học.

Những thành viên này góp công sức cả về chuyên môn khoa học cũng như gây dựng quỹ thông qua tài trợ và bán đấu giá các vị trí đặt logo trên mình cậu bé Roboy

Hệ thống xương của Roboy

Thực tế, Roboy được chế tạo dựa trên nền một dự án trước đó của AI Lab với sản phẩm là một người máy hung dữ mang tên Eccerobot.

Với chủ yếu chất liệu nhựa dẻo, Roboy được chế tạo mô phỏng hệ thống cơ người với độ thẩm mỹ cao. Thay vì sử dụng mô tơ chuyển động ở các khớp nối, Roboy sử dụng các mô-tơ tổng hợp kéo các dây cáp cao su, do vậy hệ thống này hoạt động theo cách tương tự như hệ thống cơ và dây chằng của con người.

AI Lab khẳng định hệ thống này sẽ giúp Roby chuyển động gần giống với con người nhất so với tất cả các thế hệ rôbốt hiện nay.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học của dự án này sẽ nghiên cứu phát triển các công nghệ mới cho hệ thống “mắt” nhìn của Roboy, theo đó sẽ sử dụng công nghệ 3D.


“Trưng cầu dân ý” lựa chọn khuôn mặt cho Roboy

Mục đích của dự án Roboy là nhằm tăng cường sự chấp thuận đối với các dịch vụ có sử dụng rôbốt bằng cách tăng thêm sự thân thiện của các chú rô bốt khi có mặt ở xung quanh con người.

Hiện, Roboy đang trong quá trình được lựa chọn khôn mặt thông qua một cuộc “trưng cầu dân ý” trên mạng xã hội Facebook.

Về công đoạn chế tạo, Roboy hiện đã có thể cử động các cánh tay của mình và sẽ sớm được phủ lên một lớp da mềm. Dự kiến, Roboy sẽ lần đầu tiên xuất hiện trước “công chúng” trong cuộc triển lãm mang tên “Robots on Tour” vào ngày 9/3/2013 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập AI Lab.

 

Theo Báo Đất Việt