Cho con đi bơi mùa hè, cha mẹ cần chú ý
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, việc cho trẻ đi bơi là điều nên làm, tuy nhiên đi bơi mà vẫn bảo đảm sức khoẻ là điều không phải cha mẹ nào cũng biết.
Tuyệt đối không cho trẻ đi bơi dưới trời nắng gắt.
Với nhiệt độ trên dưới 40 độ C, cho trẻ đi bơi để giải nhiệt là điều hợp lý, tuy nhiên tuyệt đối không nên cho con đi bơi vào buổi trưa vì khi đó nhiệt độ trong cơ thể trẻ đang cao, cộng với mồ hôi ra nhiều lại gặp nước nên trẻ rất dễ bị cảm lạnh.
Tốt nhất bạn nên cho con đi bơi vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều (khoảng 5 giờ chiều).
Bảo vệ tai, mắt, mũi, họng của trẻ.
Khi trẻ mới tập bơi, bạn hãy để ý không nên để trẻ ở dưới nước quá 30 phút. Khi bơi xong, hãy bắt trẻ phải xì mũi thật sạch và đẩy nước ra khỏi tai bằng cách nghiêng tai có nước xuống dưới, nhảy vài lần (cả hai bên). Tiếp theo hãy lau sạch ống tai trẻ bằng tăm bông, đồng thời nên nhỏ cho trẻ thuốc argyrol 1-2% vào hai lỗ mũi, và nhớ súc miệng nước muối.
Trong trường hợp trẻ đang bị đau mắt, viêm họng, viêm tai, mũi, sổ mũi… thì tuyệt đối không nên cho trẻ bơi lội.
Khởi động bài bản trước khi xuống bể.
Việc khởi động là để đề phòng nhiễm lạnh, chuột rút khi bơi. Dù là mùa hè nhưng vẫn phải chú ý đề phòng nhiễm lạnh cho trẻ, nhất là nhiễm lạnh đột ngột sẽ rất nguy hiểm. Vào buổi sáng, khi trời con mát, nước trong bể bơi còn khá lạnh, không nên để trẻ cởi quần áo nhảy xuống nước ngay mà hãy yêu cầu trẻ khởi động đầy đủ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước.
Bảo vệ khoang miệng cho trẻ
Dù đã qua thanh lọc nhưng các hồ bơi cũng không thể diệt hết được 100% vi khuẩn. Vi khuẩn có thể thông qua khoang miệng xâm nhập vào hệ hô hấp và hệ tiêu hoá gây tình trạng viêm nhiễm. Điều này càng dễ xảy ra khi sức đề kháng của cơ thể trẻ bị suy yếu, thậm chí khi khoang miệng có vết thương hở, bé sẽ càng dễ bị sưng lợi, lở loét khoang miệng. Việc súc miệng sau khi bơi sẽ giúp kịp thời loại bỏ các vi khuẩn còn lưu lại trên bề mặt khoang miệng, tránh không để các vi khuẩn này xâm nhập sâu hơn. Hãy lưu ý không cho trẻ ăn uống bất kì thứ gì trước khi súc miệng.
Không nên cho trẻ bơi trước và sau khi ăn
Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, thậm chí có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức. Còn nếu bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, cản trở việc tiêu hoá, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn…
Hãy cho trẻ ăn đồ ăn nhẹ từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và lưu ý để cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.
Không rời mắt khi trẻ bơi.
Để ý canh chừng là rất quan trọng để tránh nguy cơ trẻ bị đuối nước, chuột rút…bởi thực tế đã có hơn 70% trẻ học bơi bị chết đuối do sự thiếu giám sát. Bạn nên sắp xếp thời gian ở lại cùng con vào những lần đưa bé đến bể bơi. Đừng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng bơi lội của con mình, vì dù thế nào bé vẫn còn là học viên chứ chưa là một vận động viên. Vậy cho nên bạn cần phải luôn luôn để ý đến trẻ. Hãy nhấn mạnh cho con hiểu rằng bé chỉ được đến gần nước khi có mặt người lớn.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.