Thật là bức xúc khi 2 ngày cuối tuần vừa qua, mình được 4 bà mẹ tin tưởng nhờ tư vấn về việc cho con đi nhà trẻ, chọn trường… Nhưng chiếm mất nhiều thời gian nhất trong 4 cuộc nói chuyện đó là phần thuyết phục ông bà (và đôi khi cả chồng). Hai trong số 4 bạn đó còn đưa điện thoại để mình kể chuyện đi học của Daisy cho ông bà, hy vọng có chút hiệu quả. Bức xúc là ở chỗ, thay vì được chia sẻ và cảm thông vì lu bu các thứ việc đến tay (việc ở cơ quan, việc chăm con và ti tỉ thứ “bà rằn”), các bạn ấy lại bị thành đề tài chỉ trích rằng, cho con đi học sớm là “nhẫn tâm”, là “ác”, là “tội nghiệp” đứa bé.
Bé Daisy đi học
Mình sinh Daisy ở Mỹ, 3 tháng thì cả nhà “rồng rắn” về Việt Nam trên 1 chuyến bay dài tổng công 24h. Khi Daisy 6 tháng tuổi (và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng), mình đi làm lại. Đến khi con 12 tháng tuổi, Daisy đi nhà trẻ buổi đầu tiên, và đến giờ chưa nghỉ học bất kỳ buổi nào. Mỗi ngày đến trường của con là một ngày vui, tràn ngập khám phá, và tình yêu thương.
Lúc đó, Daisy chưa biết đi, chưa biết nói, chỉ bò lung tung, răng mới có 1 chiếc, uống sữa công thức, chưa bỏ bỉm bao giờ, đại loại là như tất cả các bạn 12 tháng khác, chỉ có điều, chậm răng và chậm biết đi hơn. Cảm giác ngay từ buổi đầu tiên đến lớp, Daisy thích vô cùng và vẫn còn nguyên niềm yêu thích đó cho đến tận sáng nay. Quay sang nhìn các bạn 18 tháng, 2 tuổi mới nhập học nước mắt đầm đìa mà nghĩ bụng không biết Daisy đi học sớm/muộn hơn thì con sẽ thích nghi ra sao?
Vậy thời điểm nào là thích hợp nhất để đi nhà trẻ?
Ở Mỹ, nhà trẻ tư (daycare) nhận trông trẻ từ 2 tuần tuổi. Các mẹ có thể gửi sữa mẹ, hoặc có dịch vụ tandem nursing (nghĩa là bé sẽ bú sữa của cô trông trẻ luôn, vì thường họ cũng đang nuôi con nhỏ). Ở Mỹ, áp lực công việc, thu nhập và giữ vị trí đặt người phụ nữ vào hoàn cảnh không thể khác được, họ phải đi làm lại từ rất sớm (gia đình nào không đủ tiền gửi con, 1 trong 2 bố mẹ sẽ nghỉ việc ở nhà trông con. Nếu lương của người bố thấp hơn người mẹ, ông bố đó sẵn sàng nghỉ việc trong 2-3 năm đầu để ở nhà trông con, 3 tuổi, em bé sẽ đi học mẫu giáo công miễn phí thì họ sẽ đi làm lại và chỉ thuê người trông trẻ – babysitter thôi)
Nói như vậy không có nghĩa là mình khuyên các bạn đem con đi gửi từ khi còn đỏ hỏn. Nếu công việc, kinh tế cho phép, ở nhà với con đến 1 tuổi, 1,5 tuổi vẫn là tốt nhất. Nhưng nếu các bạn đi làm công ty nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, những tổ chức… chỉ cho phép nghỉ 6 tháng, bạn cố công xin nghỉ không lương thêm được 3 tháng nữa, thì việc cho con đi trẻ lúc 9 tháng là hoàn toàn hợp lý (mình bỏ qua trường hợp các ông bố chịu nghỉ việc ở nhà trông con, à quên, còn các ông bà, và một lực lượng hùng hậu các cô dì chú bác, và cả những người giúp việc nữa chứ nhỉ). Lời khuyên của mình, đối với những mẹ phải đi làm sớm là vẫn nên cho con đi trẻ từ 12 tháng, hoặc thậm chí từ 8-9 tháng vì:
1. Đi trẻ sớm, con được chơi, được chăm sóc, được yêu thương, chứ không hề khổ, tội nghiệp, tủi thân đâu nhé
Ở nhà có rộng đến mấy, cũng không thể rộng bằng ở lớp. Ở nhà có nhiều đồ chơi đến mấy, cũng không thể nhiều bằng ở lớp.
Ông bà, giúp việc dù có yêu thương con đến mấy, nhưng cũng không thể ở bên cạnh con 100% (Ví dụ khi con trớ chẳng hạn, ôi thật là rối ren, cứu con, cứu cái ga gường, chăn gối…hẳn nào con cũng bị ngồi 1 mình 1 lúc để ông bà/giúp việc dọn dẹp). Trong khi đó ở trường có tận (trung bình) 3 cô/lớp. Có vấn đề gì, 1 cô trông con, các cô còn lại sẽ xử lý.
Con ăn, ông bà/giúp việc phải nấu, ăn xong phải dọn, rửa bát. Nhưng ở trường, 1 cô cho ăn, ăn xong đứng dậy sẽ có những người khác dọn dẹp. Ở trường mầm non khi Daisy học lúc 12 tháng, 1 tuần đầu tiên có riêng 1 cô lúc nào cũng ngồi bên con, ôm con, nói chuyện và chăm con, riêng 1 cô đó, để cho con vẫn có cảm giác như là có mẹ/ông bà/gv ở cạnh khi ở nhà.
2. Ông bà hay giúp việc không phải là chuyên gia
Ông bà dù có yêu thương cháu nhiều đến mấy, giúp việc có tuyển chọn đến mấy, thì cũng không thể có nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo bài bản trong việc chăm sóc và giáo dục cho trẻ như các cô ở trường (tất nhiên, phải chọn trường có lớp cho lứa tuổi của con, các cô giáo được đào tạo để chăm lứa tuổi đó, tránh gửi con 12 tháng ở lớp toàn các bạn 2 tuổi)
Ông bà hay giúp việc trong đa số trường hợp chỉ giải quyết được vấn đề dỗ, mà ít khi có thể dạy được. Ở trường, các cô vừa dạy vừa dỗ. Chưa kể, giúp việc còn nói ngọng, tác phong mất vệ sinh, để con tự chơi 1 mình (vì dưới 1 tuổi thì chưa biết nói mà) còn mình thì xem ti vi, dùng điện thoại. Ông bà cũng phải có lúc mệt (mà rất thương xuyên mệt), phải ăn uống, làm vệ sinh, làm việc khác trong nhà. Nhiều khi những thói quen của ông bà (mà bố mẹ vì giữ ý) không dám góp ý, làm ảnh hưởng đến con như cho con vừa ăn vừa xem ti vi, uống sữa xúc thìa… Nếu đi lớp, con sẽ hạn chế được những điều đó.
3. Đi trẻ sớm, con sẽ biết nhanh hơn, nhiều hơn
Daisy đi học khi chưa biết đi, sau 1 tháng đã biết đi và bi bô tập nói. Sau 2 tháng thì nói rõ ràng khoảng 30 từ. Đến 1,5 tuổi đã hát được 10 bài đầy đủ, đến được từ 1 đến 10 và phân biệt được hơn 20 con vật khác nhau, nhớ đc tên của tất cả các cô giáo và bạn bè trong lớp. 2 tuổi thì đã “leo lẻo” như một cái máy khâu,
Tất nhiên mỗi bé có một biểu đố phát triển khác nhau, nhưng đi trẻ chắc chắc con sẽ được học nhiều hơn (nhiều đồ chơi, các hoạt động múa hát, nhiều bạn bè nữa). Điều quan trọng, chắc chắn là phải chọn được một trường phù hợp với con, với hoàn cảnh và tiêu chí của gia đình (mình dự định sẽ viết về tiêu chí chọn trường trong 1 ngày gần đây)
Không chỉ học ở lớp, việc đi học còn là quãng đường đến lớp, những con người con gặp, những thứ con được nhìn thấy. Mình nghĩ tới ngày hôm nay, Daisy học ở lớp 70%, còn lại là những điều con học được khi 2 mẹ con đi bộ đến lớp mỗi ngày. Con được ra ngoài, được nhìn ngắm thiên nhiên, đường phố, được tiếp xúc với mọi người xung quanh.
Daisy học ở lớp 70%, còn lại là những điều con học được khi 2 mẹ con đi bộ đến lớp mỗi ngày
4. Đi trẻ sớm sẽ hạn chế tối đa việc con lạ, khóc, quấy vào những ngày đầu tiên
Khi 1,5 tuổi hay 2 tuổi, mình thấy 90% các em bé đi học mắt đỏ hoe trong 1 tuần đầu, nhiều bé còn không qua được ngày đầu tiên, đến trưa bố mẹ đã phải đón về.
Daisy qua sinh nhật 1 tuổi là đi học, ngày đầu tiên đến lớp, mẹ giao con tận tay cho cô, con ngồi lòng cô chơi đồ chơi, rồi mẹ nói “Daisy bye bye mẹ đi làm nào”, con giơ tay hua hua trên không 2 cái rồi lại chơi tiếp. Cả ngày mình ở cơ quan thấp thỏm, còn nó thì vui chơi quẫy đạp vô cùng thích thú. Con càng đi học sớm, việc con lạ lớp, khóc quấy, sẽ càng được hạn chế.
5. Đi trẻ sớm, sẽ có những xác suất ốm đau, nhưng nếu ở nhà, cũng đâu đảm bảo 100% con không bị ốm?
Không thể phủ nhận, việc đi trẻ sớm, con sẽ có xác suất ốm, hoặc lây ốm từ các bạn xung quanh. Nhưng đâu có nghĩa là nếu ở nhà, con sẽ 100% không bị ốm bao giờ? Vì có những bệnh như Sởi chẳng hạn, mình được biết, các bé ở nhà 24/24 vẫn bị nhiễm đấy thôi. Tất nhiên, việc con bị ốm khi 12 tháng và khi 1,5 tuổi, 2 tuổi là khác nhau. Vì khi đó sức đề kháng, thể trạng và khả năng giao tiếp của con sẽ khác. Nhưng đó chỉ là trường hợp thiểu số và hoàn toàn không thể lấy lý do này để gây áp lực cho mẹ nghỉ việc hoặc con ở nhà với 1 cô giúp việc chẳng dạy dỗ được gì cho con.
Thử tính xem nhé. Daisy nhà mình đi ngủ lúc 9h tối, dậy lúc 6h30 sáng. Mình làm việc cả ngày, nghĩa là 5h chiều mới về. Cả ngày tính ra chỉ có 4,5 tiếng trọn vẹn với con. 10h còn lại sẽ để con được chơi với các bạn, được các cô giáo có sư phạm dạy dỗ hơn, hay để con ở nhà với giúp việc (trong khi giúp việc còn 1 tỉ việc nhà) hơn?
Đây là những nhận định, kinh nghiệm các nhân của mình, và mới chỉ có 1 mình Daisy để kiểm chứng, nhưng hy vọng sẽ là những thông tin hữu ích để các bố mẹ, ông bà cân nhắc, lựa chọn những gì tốt đẹp nhất cho thiên thần nhỏ của cả nhà.
Trích từ blog của chịMinh Trang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.