Chỉ cần một chuyến xe máy hay xe bus chưa đầy 1 giờ đồng hồ, bạn đã được hít thở một bầu không khí rất khác trong một không gian văn hóa đặc trưng ở làng cổ Đường Lâm.
Đường Lâm cách Hà Nội khoảng 60 km, thuộc thị xã Sơn Tây, gồm 9 làng nhỏ hợp thành. Nhắc đến làng cổ thôn xã Việt Nam xưa là phải nhắc đến Đường Lâm, vì nơi này vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt như cây đá, bến nước, sân đình, chùa miếu và đặc biệt là cổng làng.
Nét đặc trưng của Đường Lâm là những ngôi nhà gỗ, tường và khuôn viên xây bằng đá ong. Vậy nên mới nói Đường Lâm nên đến vào ngày nắng. Khi nắng ngọt vừa lên, những ngôi nhà đá ong cũng ánh lên trong nắng, khoác cho Đường Lâm một tấm áo vàng rực rỡ ấm áp.
Ở Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống, chia đều trong các làng Đông Sàng, Mông Phụ, cam Thịnh… Đường làng xây thành những ngả như hình xương cá gồm trục đường chính và rất nhiều ngõ nhỏ, để khi người ta rẽ ra từ đình chính, cũng không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.
Giữa làng là ngôi đình lớn, có sân rộng, là nơi tụ họp, tham gia nhiều hoạt động của dân làng. Làng Đường Lâm nếu không vào dịp lễ lớn thường vắng lặng, ít người, yên tĩnh đúng cái không khí làng xã cổ năm nào. Ngay cổng đình có hàng bán nước, cô hàng đon đả, mời một miếng chè lam xứ Đoài, ăn vào thơm lịm cả người.
Đến khi mệt lại ghé vào trong ngõ, ngay bên đình, gần như là “nhà hàng” duy nhất của làng. Tiếng là nhà hàng, nhưng thực ra là nhà dân, mở thêm dịch vụ nấu cơm cho khách. Vào trong nhà không phải gọi món, chủ nhà tự bưng ra các mâm với các món như nhau, đều phải có thịt nướng xiên, đặc trưng không đâu bằng. Miếng thịt nửa nạc, nửa mỡ, tẩm ướp rất khéo, ăn vừa no lòng vừa đẹp mắt, kèm với ít rau xanh trồng tại gia, quả là lạc thú trên đời.
Nghề truyền thống của Đường Lâm là nghề tương. Có những ngôi nhà vừa bước vào đã thấy đầy những chum to, sực nức mùi tương đặc trưng xứ Đoài.
Đến làng cổ Đường Lâm nhất định phải đi thăm chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự) có tới 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét và thân, rễ cây si).
Cổng làng Mông Phụ là đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Cổng làng đơn sơ, nằm giữa hai bên là đồng lúa xanh rì, đằng sau là cây đa to, trùm bóng lên trên cổng. Đứng ở đây vào lúc gió về, nắng ngọt trải trên cánh đồng, ngắm nhìn một chú bò đang lơ thơ gặm cỏ mới cảm nhận rằng đồng quê Bắc Bộ quả là đẹp như tranh vẽ, không đâu sánh bằng.
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi lại rẽ về đình làng, chào chị bán nước, mua đôi ba bánh chè lam làm quà, và hẹn lòng mình nhất định phải quay lại Đường Lâm, vào một ngày nắng khác.