Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã chọn và tạo thành công hai giống lúa thơm chất lượng cao QR1 và VS1 trên diện tích 2ha tại thôn Bầu Long Trì, thị trấn Hợp Hòa.
Hai giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội so với đối chứng như chất lượng gạo ngon, hạt nhỏ, bóng, có mùi thơm nhẹ, cơm nấu không dính, hạt cơm dai và có vị đậm. Đặc biệt, hai giống lúa này có giá trị kinh tế cao, có thể chống chịu rầy và sâu cuốn lá hơn giống lúa HT1 đang trồng đại trà trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Mỗi giống lúa có một đặc tính riêng như đối với giống QR1 có khả năng cảm ôn, sinh trưởng đồng đều, đẻ nhánh khỏe, có thời gian sinh trưởng ngắn. Kết quả thu hoạch giống QR1 rất khả quan với năng suất từ 56,9-57,6 tạ/ha, tăng 1,3-2,9% so với giống HT1 đối chứng, nhưng chất lượng và giá trị thu nhập thì tăng hơn giống HT1 từ 1.000-1.500đồng/kg thóc, trong khi đó chi phí đầu vào là như nhau.
Đây là giống lúa gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp cơ cấu trà xuân muộn và trà mùa sớm, tỷ lệ phân bón chỉ bằng 2/3 giống lúa khác. Gạo trắng trong, chất lượng gạo thơm ngon.
Đối với giống VS1 có chiều cao cây từ 100-110cm, phiến lá đứng, dầy, lá đòng to lòng mo, đẻ nhánh khá, khóm gọn, thân to, đốt ngắn, cây khá thấp nên có khả năng chống đổ tốt. Một số loại sâu phổ biến như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn chỉ gây hại ở mức độ nhẹ. Vụ xuân, thời gian sinh trưởng 120-125 ngày, vụ mùa 95-100 ngày, ngắn ngày hơn Khang Dân khoảng 3-5 ngày, năng suất tương đương nhưng chất lượng hơn hẳn vì có gen thơm.
So với những giống đối chứng như Bắc Thơm và Hương Thơm, năng suất VS1 vượt 15%, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-7 ngày, có ưu điểm thích nghi rộng, cứng cây, nhất là kháng bạc lá hơn Bắc Thơm. Gạo VS1 khi thổi cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm rất dẻo. Dựa vào năng suất, chi phí đầu tư và giá cả thị trường, đơn vị này sơ bộ hạch toán, trên cùng một sào đất canh tác, khi cấy VS1 thu lãi cao hơn Khang Dân từ 200.000-205.000đ, tương đương cao hơn 5,5-5,6 triệu/ha.
Theo kinh nghiệm của người dân, đây là giống lúa đẻ nhiều, nếu trồng mật độ dày thì hơi nhiễm khô vằn. Khi canh tác không được bón quá nhiều đạm, không bón phân lai rai mà bón “nặng đầu, nhẹ cuối“.
Hiện nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc nhiều giống lúa bị thoái hóa, bị nhiễm rầy và nhiễm bệnh nặng, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên sử dụng. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, sản xuất luôn bị tác động xấu của thiên tai, lũ lụt.
Việc nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn lọc thành công hai giống lúa thơm chất lượng cao QR1 và VS1 đã bổ sung kịp thời vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, đồng thời giúp rút ngắn được thời gian để làm vụ đông sớm đáp ứng được yêu cầu thực tế, mở ra hướng xuất khẩu lúa gạo cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo TTXVN