Thực hiện chủ trương đổi mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong hai năm qua, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã bước đầu khắc phục tính đơn lẻ, sự trùng chéo trong hoạt động khoa học – công nghệ (KH-CN) để triển khai thực hiện một khối lượng đề tài, nhiệm vụ KH-CN khá lớn trong đó có lĩnh vực quan trọng là tạo ra giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao.
Tạo được một số giống cây trồng có giá trị
GS, TSKH Trần Duy Quý, Phó Giám đốc VAAS cho chúng tôi biết: Không thể thực hiện hàng trăm đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở mỗi năm, đội ngũ cán bộ của VAAS triển khai thực hiện từ 30 – 40 đề tài, chương trình cấp Nhà nước, khoảng hơn 100 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ về công tác nghiên cứu cơ bản các chương trình giống cây trồng, bảo vệ thực vật, KH-CN phục vụ phát triển vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, hợp tác quốc tế theo Nghị định thư…
Riêng các giống cây trồng viện đã chọn và tạo ra gần 20 giống lúa thuần (bảy giống được công nhận chính thức, hơn 10 giống cây nhận tạm thời). Ðáng kể trong đó là giống lúa Khang dân đột biến từ giống lúa Khang dân 18 bằng phương pháp chiếu xạ tia Gam-ma nguồn Conban 60 theo các liều chiếu 15,25 và 35 kr.
Xét nghiệm đánh giá hàm lượng protein trong thóc gạo ở Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: ND) |
Giống lúa DT38 được khảo nghiệm tại các địa phương Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, từ vụ xuân và mùa năm 2005 đến vụ mùa năm 2007 cho thấy giống lúa này có khả năng kháng bạc lá, khô vằn và rầy nâu cao hơn giống gốc, đồng thời năng suất đạt cao hơn lúa Khang dân bình thường. Cũng vì lẽ đó, năm 2007 DT38 được công nhận là giống Quốc gia. Giống X26 (94 – 30) thời gian sinh trưởng 130 – 135 ngày trong vụ xuân, 110-115 ngày ở vụ hè thu, chất lượng gạo ngon, mềm cơm, khả năng chống chịu tốt bệnh bạc lá vi khuẩn trong vụ mùa, và chịu lạnh khá ở giai đoạn trổ bông, Giống lúa X26 (94 – 30) có năng suất (đối chứng với Khang dân 18) tăng bình quân hơn 2 tạ/ha. Hiện được trồng tại Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
Các giống lúa lai tạo được chưa nhiều nhưng vài năm qua, VAAS cũng đã thực hiện thành công giống HYT92 và giống HYT100. Hai giống lúa lai này có thời gian sinh trưởng vừa phải, hạt gạo ngon, cơm mềm và có mùi thơm nhẹ; năng suất bình quân đạt 75-80 tạ/ha. Giống lúa lai HYT92 và HYT100 thích hợp trên các chân đất hơi trũng thuộc các địa phương Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Tây. Tuy nhiên hai giống lúa này hay nhiễm nhẹ với các bệnh khô vằn, bạc lá, đạo ôn.
Những năm qua, chương trình phát triển các giống ngô lai đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, song thực tế sản xuất cho thấy năng suất ngô của nước ta còn thấp, giá thành sản xuất còn cao, sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước… Kế thừa và phát triển thành tích của giai đoạn 2001 – 2005, từ năm 2006, tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô triển khai, thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp cho các vùng sinh thái“. Bằng các phương pháp tạo dòng tự phối, thụ phấn, cận huyết, nuôi cấy bao phấn… và qua khảo nghiệm ở Ðan Phượng (Hà Tây), Lạc Thủy (Hòa Bình), Nghệ An, Phú Thọ, đã xác định được một số giống ngô có triển vọng cho các tỉnh miền bắc là LVN14, LVN15, LVN18, LVN37, LVN885; còn giống LVN61 phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ. Các giống ngô lai đơn kể trên có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày, khả năng chống chịu hạn và các loại bệnh chính; lại cho năng suất khá cao…
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ khoa học nông nghiệp cũng đã thực hiện được một số tiến bộ kỹ thuật về cây ăn quả. Từ năm 2004 trở lại đây, chín giống cây ăn quả mới, bao gồm ba giống vải chín sớm, ba giống nhãn chín muộn, một giống chuối tiêu và một giống xoài ăn xanh đã được công nhận. Trong đó, các giống nhãn chín muộn (thời gian thu hoạch từ 25-8 đến 15-9) muộn hơn các loại nhãn chín chính vụ gần một tháng; cho năng suất cao, chất lượng tốt và dĩ nhiên hiệu quả kinh tế đạt gấp 1,5 – 2 lần so với các giống nhãn chín chính vụ…
Vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ
Tiềm lực khoa học – công nghệ không ngừng được bổ sung trên cơ sở củng cố và phát triển của các đơn vị thành viên, VAAS là một tổ chức nghiên cứu khá hoàn chỉnh về khoa học cây trồng, từ bảo tồn nguồn gien, công nghệ sinh học, chọn tạo giống đến các vấn đề kỹ thuật. Khoa học – công nghệ, sau 20 năm đổi mới, thật sự góp phần có hiệu quả làm thay đổi căn bản hiện trạng các loại cây trồng vật nuôi; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của không ít nông sản hàng hóa chủ lực.
Tuy nhiên nhìn nhận một cách nghiêm túc, lĩnh vực khoa học nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ðiều dễ thấy là hằng năm, các kết quả được công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật khá nhiều nhưng số được đưa vào ứng dụng trong đời sống sản xuất còn ít, nhất là hoạt động nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa lai còn nhiều khó khăn nên mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi một khoản ngoại tệ lớn để nhập khẩu các giống lúa nước ngoài.
Những năm gần đây, các tiến bộ kỹ thuật về nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả từng bước cải thiện nhưng chủng loại giống còn nghèo, chất lượng chưa cao, cho nên hoa quả của Trung Quốc, Thái Lan quanh năm vẫn tràn ngập thị trường nội địa; giá thành hạ, bảo quản được lâu nhưng ngặt một nỗi, ăn cứ ăn nhưng thường trực nỗi lo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vẫn còn tình trạng không ít đề tài, dự án khâu tuyển chọn, thẩm định ở đơn vị cơ sở mang tính hình thức, nể nang, vì vậy trong quá trình triển khai, thực hiện có vướng mắc; chất lượng hạn chế, yếu kém. Sự hợp tác, liên kết trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ vào sản xuất đời sống giữa các nhóm và đơn vị thành viên tuy có được cải thiện so với trước, song phần lớn mới dừng lại ở các khía cạnh đơn lẻ, hoặc hợp tác theo kiểu “ép duyên” do sức ép hành chính mà chưa có những vấn đề quy mô mang tầm chiến lược.
Ngay sự phân cấp quản lý về hoạt động khoa học – công nghệ giữa VAAS và Bộ chủ quản, cũng như vai trò tự chủ của VAAS trong định hướng nghiên cứu, quản lý tài chính đối với các đơn vị thành viên còn những bất hợp lý cần tháo gỡ.
Khắc phục được những hạn chế, bất cập như đã nêu mới mong triển khai, thực hiện đạt hiệu quả và chất lượng bảy nhóm vấn đề trong thời gian tới như PGS, TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc VAAS cho biết. Ðó là công tác chọn tạo giống cây trồng, khai thác lợi thế bản địa (như các sản phẩm có tiếng: gạo Tám thơm, Nàng hương, bưởi Phúc Trạch, Ðoan Hùng, vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên…); giải quyết vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai và dịch bệnh; tập trung nhiều hơn cho hệ thống thâm canh, tăng vụ bằng các giống cây, con mới và quy trình kỹ thuật mới…
NGUYỄN KHÔI
Theo Nhân dân