Chữa bệnh “làm Osin cho con”

0
122

Giống như y học, không thể sinh ra đã là bác sĩ, cũng như giáo dục không thể sinh ra đã là nhà giáo mà cần phải một quá trình học tập, khổ luyện thì mới trở thành bác sĩ, giáo viên giỏi được. Mỗi người cha, người mẹ cũng cần phải học tập và nỗ lực hết mình mới hiểu được chân lí và thể hiện đúng nghĩa tình cảm yêu thương con mình.

Thời nay, do các gia đình có ít con, mỗi gia đình thường chỉ có một – hai bé nên nhiều người lớn đã rất “tự nguyện” và “hạnh phúc” khi làm “Osin” cho trẻ. Người ta còn gọi đó là “Căn bệnh 421, 621”, đó là trong một gia đình có từ bốn đến sáu người lớn cùng yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, bao bọc, ôm ấp và “Osin” cho một đứa trẻ.

Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng: một người đẩy xe, một người đi bên cạnh múa hát, làm trò, một người cầm thìa thức ăn xúc cho đứa trẻ ăn. Hay ở một cửa hàng ăn nhanh, một đứa bé cầm cả chiếc đùi gà, miếng thịt rán để gặm, còn ông bà, bố mẹ chúng thì đứng nhìn, hay chỉ ăn qua quýt cái gì đó, thậm chí là đồ thừa của trẻ.

Hay đơn giản, các bạn cứ đến trước của trường tiểu học, mẫu giáo vào mỗi buổi sáng hay chiều lúc các bậc cha mẹ đưa đón con sẽ thấy, hầu hết các bậc cha mẹ đều vào tận cửa trường, cửa lớp xách ba lô, xách cặp sách cho con mặc dù nhiều bé có thể tự làm được. Khi trẻ đi học về đến nhà, nhiều bố mẹ, ông bà vội hỏi ngay trẻ cần ăn gì, uống gì và tự nguyện làm “Osin” đưa đến “tận miệng” cho trẻ.

Tôi có đứa cháu, suốt 3 năm đầu ở tiểu học, ngày nào mẹ cháu cũng mang cặp vào tận lớp cho cháu, học đến lớp ba mẹ cháu vẫn xúc cơm cho con ăn rồi lúc nào cũng phàn nàn rằng con lười ăn. Rất may, gần cuối năm cháu học lớp ba đó có dịp mẹ cháu phải về nhà ngoại một tuần nên gửi con cho tôi. Bằng cách khích lệ, động viên cháu mà sau đó, cháu đã tự xúc ăn được một cách ngon lành; cũng từ đó cháu tự xách cặp vào lớp học.

Con tôi, tôi cho tự lập từ rất sớm. Hơn một tuổi, tôi tập cho con cầm thìa xúc cơm, mỗi lần dọn cơm ra, tôi nói: “Cả nhà cùng ăn nhé, nếu con tự xúc cơm ăn thì mẹ cũng được ăn cùng cả nhà, mẹ đói lắm rồi”. Tôi khích lệ con, khen con, mới đầu thức ăn đổ ra rất nhiều, nhưng không sao, dần dần bé sẽ tự điều chỉnh, sẽ làm tốt. Ba tuổi cháu đã biết tự cầm đũa ăn cơm. Các con tôi từ nhỏ đã luôn quan tâm đến bố mẹ, lo mẹ mệt, lo mẹ giận,… mỗi lần các cháu đi học về, câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Mẹ ơi, mẹ có việc gì để con giúp mẹ?”. Mỗi lần chúng tôi đi làm về các cháu hỏi: “Bố/mẹ có uống gì không, con lấy cho?”, nếu tôi trả lời: “Không, con ạ” thì bao giờ các cháu cũng nài nỉ cho đến khi tôi chọn uống một loại nước gì đó, con mới thấy vui. Khi tôi đi làm về đến cửa bao giờ các cháu cũng chạy ra đón và xách đồ đạc vào (nếu có). Tôi nhớ kỉ niệm là một lần, khi đó con trai tôi học lớp 9, con gái học lớp 3, cả nhà đi siêu thị về, cậu anh bảo với cô em gái là: “Mẹ đi tay không, hai anh em mình chia nhau xách đồ hết nhé”, hay khi chuẩn bị lên xe buýt con trai tôi nói: “Em người nhỏ, nếu lên xe trước tìm được chỗ ngồi thì khi mẹ lên nhường cho mẹ nhé”. Đặc biệt là cô con gái nhà tôi, cháu hay quan tâm nét mặt của mẹ, thấy mẹ không nói gì, hay nét mặt mẹ hơi khác là cháu hỏi ngay: “Mẹ ơi, mẹ mệt à?”. Khi cháu 5 tuổi, một hôm đi học mẫu giáo về, gặp tôi cháu khóc rưng rức: “Mẹ ơi, mẹ không được già nhé”, tôi không hiểu nguyên nhân gì và phải dỗ dành mãi, chắc là hôm đó cháu được nghe cô giáo kể chuyện về một người mẹ khi về già bị làm sao đó.

Thế mà hiện nay thì có hiện tượng ngược, khi con/cháu đi học về, ông bà bố mẹ chạy ra đỡ cặp cho con/cháu, hỏi con/cháu ăn gì, uống gì, nào là “sữa nhé”, “trứng nhé”, “nước cam nhé”,… mang từng thứ ra để nài nỉ trẻ và hầu như các trẻ này chỉ biết “hưởng thụ” không biết quan tâm tới ông bà, bố mẹ.

Cần phải nhớ rằng, trẻ con cũng rất yêu thương bố mẹ và muốn thể hiện tình cảm đó, vấn đề là các bố mẹ cần phải “tạo môi trường”, “tạo sân chơi” và sẵn sàng đón nhận sự thể hiện tình cảm đó từ trẻ, cho trẻ thể hiện càng sớm, càng tốt, nếu bỏ qua giai đoạn vàng này sẽ dẫn đến trẻ ỉ lại, ích kỉ.

Thực ra trẻ nhỏ rất thích thể hiện, nếu cha mẹ biết khích lệ, biết yêu thương con, biết đón nhận yêu thương từ con thì trẻ sẽ tự lập sớm và tự tin hơn, trẻ sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình, quan tâm người khác hơn.

Nếu các bậc cha mẹ yêu thương con một cách mù quáng, làm thay hết việc của trẻ, coi mẹ như là “cái nồi cơm điện”, “cái máy giặt”, là “nô lệ” của trẻ thì trẻ càng ỷ lại, càng thiếu tự lập, lớn lên vẫn tiếp tục “ăn bám bố mẹ”, và có thể trở thành người “ăn bám” suốt đời. Thực tế ở Việt Nam đã có những ông bà khi đã lớn tuổi vẫn phải làm “Osin” cho cả con trai, con dâu, cháu nội, phải chu cấp cả về tiền bạc lẫn công sức, thời gian cho con, cháu.

Yêu thương con trong điều kiện kinh tế khá giả, các bậc cha mẹ cần phải tỉnh táo, sáng suốt và can đảm hơn. Cha mẹ cần “học cách yêu thương” trẻ, “học lười” để “tạo cơ hội cho con trẻ yêu thương”, chữa “căn bệnh osin” càng sớm càng tốt, điều đó sẽ đưa lại lợi ích suốt đời cho trẻ, giúp trẻ thành công trong cuộc sống!

Thành Tâm