Các nước hạ lưu sông Mekong hôm nay vẫn chưa quyết định số phận con đập thuỷ điện gây tranh cãi của Lào, mà sẽ tiến hành tham vấn thêm ở cấp Bộ trưởng.
Nhiều nhà khoa học lo ngại đập Xayaburi sẽ gây tác động tới các loài cá sông Mekong. Ảnh: lugaluda.com.
“Các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhất trí quyết định rằng tiến trình tham vấn dự án thủy điện Xayaburi sẽ được đưa ra thảo luận cấp Bộ trưởng”, thông cáo của Ủy hội sông Mekong (MRC) ra chiều nay cho hay. MRC là cơ quan liên chính phủ của bốn nước hạ vùng Mekong.
Hiện còn nhiều khác biệt trong quan điểm của mỗi nước về tiến trình tham vấn đã kết thúc hay chưa.
Xayaburi là dự án đầu tiên trong một loạt kế hoạch xây dựng đập trên dòng chính của sông Mekong, con sông lớn chảy từ Trung Quốc qua Myanmar và xuống bốn quốc gia kể trên. Theo thoả thuận, bất kỳ nước thành viên MRC nào muốn xây đập trên sông đều phải qua quá trình lấy ý kiến của các thành viên Uỷ hội.
Tại cuộc họp, phía Lào cho rằng không cần thiết phải mở rộng tiến trình tham vấn bởi dự án Xayaburi sẽ không có tác động môi trường nào đối với các nước có sông Mekong chảy qua.
“Chúng tôi đánh giá cao tất cả các ý kiến, nhưng chúng tôi sẽ xem xét để giải đáp tất cả các lo ngại“, thông cáo MRC trích lời ông Viraphonh Viravong, trưởng đoàn Lào.
Lào đề xuất kết thúc tiến trình tham vấn, nhấn mạnh rằng việc mở rộng nghiên cứu sẽ cần ít nhất 6 tháng nữa và điều đó cũng không thể giúp giải quyết lo ngại từ tất cả các bên.
Vị đại diện Lào cũng cho biết, đập Xayaburi sẽ tuân thủ theo hướng dẫn thiết kế của ban thư ký MRC và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời bổ sung thêm các tác động đối với dòng chảy, phù sa, chất lượng nước và thủy sinh vật cũng như độ an toàn của đập chắn sẽ được giảm thiểu đến mức có thể chấp nhận.
Một phóng sự điều tra của Thái Lan nói rằng Lào đã bắt đầu làm đường dẫn tới khu vực định đặt đập thủy điện Xayaburi từ cách đây 5 tháng. Ảnh: Bangkokpost.
Trong khi đó Campuchia cho rằng phải cần thêm thời gian để thông báo về dự án và để nhà thiết kế có thể đáp ứng các yêu cầu công nghệ; tham vấn giữa các nước thành viên với công chúng.
Thái Lan nói rằng các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ tác động từ đập Xayaburi nên tiến hành dựa trên lợi ích của người dân và môi trường trong khu vực.
Thái Lan cũng tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của dự án, nhấn mạnh rằng thời gian tham vấn trước chưa đủ và cần được mở rộng. “Chúng tôi thấy xét từ quan điểm nào, mối quan tâm nào cũng cần cân nhắc lại về dự án Xayaburi”, ông Jatuporrn Buruspat, giám đốc Cơ quan tài nguyên nước phát biểu trong thông cáo của MRC.
Việt Nam đề xuất nên hoãn việc xây đập trong vòng 10 năm để có những nghiên cứu đầy đủ hơn về tác động của các con đập tới môi trường và đời sống của người dân.
Thông cáo của MRC trích lời ông Lê Đức Trung, trưởng đoàn Việt Nam: “10 năm là khoảng thời gian cần để Chính phủ các nước ven sông thực hiện những nghiên cứu toàn diện và cụ thể hơn về các tác động có thể khi xây dựng đập Xayaburi”.
“Những đánh giá thiếu đầy đủ và không mang tính toàn diện sẽ gây thiệt hại cho vùng hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long“.
Xayaburi là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long gần 2000 km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, cao 32 mét, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện của dự án trị giá 3,5 tỷ USD này sẽ được bán cho Thái Lan.
Vị trí các dự án đập thủy điện dự kiến trên dòng chính sông Mekong. Đồ họa: Đào Trọng Tứ.
Theo Vnexpress