Hoang mang vì mắc bệnh
Mỹ Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay 27 tuổi, vừa lập gia đình được 3 tháng. Thời gian gần đây thấy vùng kín có những biểu hiện bất thường, khí hư ra nhiều, có mùi, thỉnh thoảng dính máu nên Hạnh đi khám phụ khoa. Hạnh được các bác sỹ thông báo là bị xói mòn cổ tử cung, bắt đầu có dấu hiệu chuyển nặng.
Còn Thúy Hằng (22 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) thì chưa lập gia đình và cũng chưa từng có quan hệ tình dục. Bất ngờ là trong lần đi khám phụ khoa vừa rồi, bác sĩ nói rằng Hằng có dấu hiệu bị xói mòn cổ tử cung.
“Mình luôn nghĩ bệnh này chỉ có thể xảy ra với những người đã lập gia đình hoặc từng có quan hệ tình dục. Thế nên khi bác sỹ thông báo kết quả, mình rất ngỡ ngàng, phải hỏi đi hỏi lại là liệu có nhầm lẫn gì không. Các bác sỹ quả quyết kết quả không nhầm lẫn mà là mình đã hiểu nhầm về bệnh. Thực chất, xói mòn cổ tử cung có thể xảy ra cả với những người chưa có quan hệ tình dục”, Hằng kể.
Hằng được các bác sỹ tư vấn rằng, trong trường hợp của Hằng, bệnh có thể do số ngày kinh nguyệt trong tháng của Hằng là 7 ngày, quá dài so với bình thường. Cũng có thể là do Hằng dùng dung dịch vệ sinh có nồng độ khử trùng cao nên làm mất cân bằng môi trường âm đạo, gây hại cho biểu mô ở tử cung và dẫn đến xói mòn cổ tử cung.
Nguyên nhân, triệu chứng
Theo bác sỹ phụ khoa Vân Anh, xói mòn cổ tử cung là bệnh phát triển ở cổ tử cung, thường do viêm cổ tử cung mãn tính kéo dài gây ra. Bệnh thường gặp ở phụ nữ đang độ tuổi sinh sản.
“Căn cứ vào độ xói mòn, xói mòn tử cung được chia thành 3 mức độ: nhẹ, bình thường, nặng. Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường không có những dấu hiệu rõ ràng, có thể chỉ là tăng nhẹ trong dịch tiết âm đạo. Nếu cổ tử cung bị xói mòn mức độ vừa phải hay nghiêm trọng thì các triệu chứng dễ nhận thấy nhất là tăng tiết dịch âm đạo, khí hư có màu vàng, dịch âm đạo có lẫn máu”, bác sỹ Vân Anh nói.
Có nhiều nguyên nhân gây ra xói mòn cổ tử cung. Bệnh có thể do chấn thương ở cổ tử cung vì sinh hoạt tình dục quá thường xuyên, phá thai, sinh nở… khiến các tế bào vảy ở cổ tử cung bị phá hủy. Khi bị phá hủy ở một mức độ nào đó, sức đề kháng của cổ tử cung sẽ giảm, gây ra viêm cổ tử cung và dẫn đến xói mòn cổ tử cung. Xói mòn cổ tử cung cũng có thể là do nhiễm virus khiến biểu mô bên trong cổ tử cung bị bong tróc, gây xói mòn. Bệnh còn có thể liên quan đến nội tiết tố estrogen trong cơ thể.
Nữ giới có đời sống tình dục quá sớm, nhiều đối tác tình dục, tình dục không an toàn, phá thai nhiều lần… sẽ làm tăng nguy cơ bị xói mòn cổ tử cung. Tuy nhiên, ngay cả những bạn gái chưa lập gia đình, chưa quan hệ tình dục thì vẫn có tỷ lệ mắc bệnh. Trong trường hợp này, bệnh có thể là do làm sạch “vùng kín” quá mức với dung dịch vệ sinh phụ nữ có nồng độ khử trùng cao. Dung dịch này có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, gây hại cho biểu mô ở tử cung và dẫn đến xói mòn cổ tử cung.
Những chị em có chu kì kinh nguyệt thất thường, số ngày có kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài… đều có nguy cơ bị xói mòn cổ tử cung cao hơn những chị em khác.
Cách phòng bệnh
Theo bác sỹ Vân Anh, cho dù chưa lập gia đình hoặc chưa quan hệ tình dục thì chị em cũng nên quan tâm đến bệnh này để biết cách phòng tránh. “Chị em nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ khử trùng vừa phải, tránh thụt rửa sâu âm đạo khi vệ sinh “vùng kín”, chung thủy với một bạn tình, quan hệ tình dục an toàn, không nạo phá thai… Nếu phát hiện tiết dịch âm đạo tăng lên, khí hư có sự thay đổi màu sắc, mùi lạ thì nên đến phòng khám phụ khoa để thăm khám và kịp thời điều trị”, vị bác sỹ nói.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.