Nếu như lòng hồ được coi là lá phổi xanh của Hà Nội thì tình trạng ô nhiễm chính là căn bệnh ung thư của lá phổi này.
Có đến hàng chục hồ lớn nhỏ ở nội thành và ngoại thành, Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều hồ nhất trên thế giới. Các hồ ở Hà Nội thường được coi là lá phổi xanh, và cũng là những cảnh quan đẹp, góp phần tô điểm cho diện mạo Thủ đô.
Tuy nhiên, đối với chính những người sống bên hồ, nhiều hồ ở Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh của tình trạng ô nhiễm.
Theo các số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường, hầu như tất cả hồ ở Hà Nội đều không đạt tiêu chuẩn cho phép về chất lượng nước. Một số hồ mang mầm bệnh với hàm lượng cao gấp hàng trăm lần so với quy định.
Vài năm trở lại đây, nhiều hồ trong thành phố đã được nạo vét và cải tạo, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không hề thuyên giảm. Khi quan sát ở gần, nước các hồ thường có màu đục mờ, ở một số nơi còn có mùi hôi thối.
Ý thức của những người sống quanh hồ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng. Đi vòng quanh hầu hết các hồ ở Hà Nội có thể thấy hiện tượng túi nylon, rác rưởi, váng dầu mỡ… nổi trên mặt hồ rất phổ biến.
Sau đây là những thông số về tình hình chất lượng nước của một số hồ chính trong nội thành Hà Nội theo kết quả quan trắc gần đây do Sở Tài nguyên và môi trường thu thập.
Xác cá chết nổi lềnh bềnh ở hồ Ba Mẫu Bờ hồ Tây, mạn đường Lạc Long Quân tràn ngập rác. Hồ Hoàn Kiếm cũng không tránh khỏi vấn nạn rác. Mặt nước hồ Trúc Bạch nổi váng. Từ lâu, hồ Trúc Bạch trở thành điểm tụ tập ăn uống của giới trẻ. “Nhiều hàng quán ở đây không ngần ngại xả chất thải trực tiếp xuống hồ”, chị Thùy Vân, nhà ở phố Lạc Chính, phường Trúc Bạch, cho biết. Bà Phương, giáo viên THPT, sống ở khu tập thể Giảng Võ, cho hay: “Hồ Giảng Võ được cải tạo cách đây 5 năm, nhưng tình trạng ô nhiễm đến giờ vẫn không biến chuyển. Cuối năm 2009, phường phát động một chiến dịch làm sạch hồ, nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể. Tình hình trong tương lai chắc cũng không có gì khả quan”. Vớt rác theo kiểu thủ công không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm nước hồ. Theo kết quả quan trắc gần đây do Sở Tài nguyên và môi trường thu thập, mầm bệnh tiêu chảy (coliform) ở hồ Thành Công cao gấp 288 lần mức cho phép vào mùa mưa. Con số này ở hồ Thanh Nhàn là 465 lần. Trong khi đó, nước hồ Ba Mẫu nhiễm nhiều hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, phenol, dầu mỏ và các phụ phẩm dầu mỏ… ở mức cao. |
Theo Báo Đất Việt