Chúng ta chẳng hiểu gì về mình

Trung Quốc phát triển máy in 3D sinh học có thể sản xuất mô người

Bạn cho rằng đã hiểu rõ về bản thân? Bạn hoàn toàn sai lầm. Các nhà khoa học tuyên bố chúng ta hoàn toàn không nhận thức được mình là ai. Hầu hết những điều thúc đẩy hành vi và hình thành nên tính cách con người đều nằm trong tiềm thức.

Bạn hiểu bản thân mình đến mức nào?

Bản chất của sự nhận thức từ lâu đã làm các nhà khoa học rối trí, nhưng một nghiên cứu mới đã nhận được sự nhất trí trong giới khoa học.

Nếu bạn tưởng tượng bộ não con người là một tập hợp các máy tính khác nhau, mỗi máy thực hiện những chức năng và quy trình phức tạp riêng, thì sự nhận thức giống như một mạng lưới Wi-Fi tích hợp các hoạt động máy tính, để chúng có thể phối hợp đồng bộ với nhau, Ezequiel Morsella, nhà tâm lý học tại Đại học Yale, Mỹ, giải thích.

Chẳng hạn bạn đang bê một đĩa thức ăn nóng lên bàn, một trong các máy tính thuộc bộ não của bạn sẽ bảo bạn bỏ đĩa xuống bởi nó đang làm bỏng da, trong khi đó máy tính khác lại bảo bạn phải giữ nguyên để thức ăn không bị đổ ra sàn. Khi đó, bộ não cần mạng lưới Wi-Fi của sự nhận thức để giúp các máy tính tương tác với nhau, phân tích sự việc và quyết định bạn làm gì.

Vì vậy khi phải hành động, sự nhận thức chỉ lướt qua trên bề mặt. Phần lớn động cơ thúc đẩy hành vi của chúng ta nằm ở mạng lưới thần kinh bên trong. Mà mạng lưới này không dễ dàng xâm nhập thông qua suy nghĩ một cách có ý thức“, Joseph LeDoux, nhà khoa học thần kinh tại Đại học New York nói.

Tư tưởng hằng ngày về cái tôi và sự kiểm soát của nó đối với hành vi của chúng ta là hoàn toàn sai lầm, giống như ý nghĩ trái đất này hình dẹt“, Morsella công nhận. Cho dù chúng ta coi bản thân như những thực thể độc lập, thì thực tế không phải vậy. Mọi thứ chúng ta làm đều bị ảnh hưởng bởi các quy trình trong tiềm thức và cả môi trường xung quanh.

Chẳng hạn, trong khi chúng ta có thể hiểu rõ về một số thôi thúc của mình, thì chúng ta lại không biết được quy trình tạo nên những thúc giục đó. “Mắt tôi vừa lướt qua bức ảnh bánh hamburger trong một tạp chí, và vài phút sau, tôi có sự thôi thúc này”, Morsella nói. “Chúng ta không biết được những nguồn gốc tiến hoá của rất nhiều hành vi”.

Đôi khi chúng ta còn không nhận ra được cả thôi thúc của mình. Chẳng hạn, không phải tình cờ ngẫu nhiên mà nhiều đàn ông tên “Ken” lại chuyển đến sống ở Kentucky và những ai tên “Florences” chuyển đến ở Florida. Tương tự, người tên “Dennis” dễ trở thành bác sĩ nha khoa (dentist) và “Lauras” biến thành luật sư (lawyer).

Theo John Bargh, nhà tâm lý học tại Đại học Yale, những kết quả đáng ngạc nhiên này chính là bắt nguồn từ động lực tiến hoá khiến chúng ta bị hấp dẫn bởi những cái tương tự với mình – một sự thôi thúc bắt nguồn từ tư tưởng rằng chúng ta nên quan hệ với những người giống mình, bởi họ sẽ có bộ gene giống chúng ta và giúp truyền lại cho thế hệ sau.

Tất nhiên hầu như chẳng ai trong chúng ta nhận ra sự thôi thúc này. “Đó chính là một sự ảnh hưởng của tiềm thức, bởi chẳng ai lại nói rằng vì sự trùng hợp trong cái tên mà khiến họ có những quyết định quan trọng trong cuộc đời như vậy”, Bargh khẳng định.

Xét trên vai trò hạn chế của ý thức trong việc hình thành nên hành vi và tính cách của chúng ta, cũng như sự phức tạp của các hệ thống khác ảnh hưởng lên con người, thật khó để hiểu được vì sao chúng ta lại là chúng ta ngày nay.

 

Theo LiveScience, Vnexpress