Chúng ta đều thích buôn chuyện về người khác

Chúng ta đều thích buôn chuyện về người khác

Có muôn vàn cách để phân loại các cuộc nói chuyện của con người. Chúng ta chào hỏi mỗi ngày, giải thích, thông báo, nói dối, tiết lộ bí mật, thổ lộ tâm tình và thêu dệt câu chuyện. Nhưng hầu hết, chúng ta đều thích nói về người khác.

Hãy thử đứng trong một văn phòng và lắng nghe bất kỳ 2 người nào nói chuyện với nhau. Cho dù khởi đầu họ bàn về thời tiết, thì cuối cùng họ cũng quay sang nói chuyện về một ai đó.

Những cuộc nói chuyện phiếm như vậy chỉ thực sự có vấn đề khi nó biến thành cuộc trao đổi những thông tin xấu, bí mật với mục đích gây hại cho người khác. Và thường là không hề dựa trên cơ sở thực tiễn.

Nhưng nhà linh trưởng học Robin Dunbar tại Viện nhân chủng học tiến hóa và nhận thức, thuộc Đại học Oxford, Anh, tuyên bố buôn chuyện về người khác không phải lúc nào cũng xấu. Thay vào đó, nó là một cách tiến hóa nhằm liên kết các nhóm người rộng lớn với nhau.

Rất nhiều loài linh trưởng khác, như khỉ đầu chó, sống trong các bầy đàn lớn và chúng coi việc chải chuốt cho nhau như một công cụ xã hội để duy trì các mối quan hệ. Nhưng qua lịch sử tiến hóa, các cộng đồng người trở nên quá to lớn và không ai có đủ thời gian để đi chăm chút cho từng người mà họ cần.

Chúng ta đều thích buôn chuyện về người khácBuôn chuyện, hay nói chuyện về người khác, đã dần thay thế việc chải chuốt để trở thành một chất keo dính giữa con người.

Buôn chuyện có thể là một phần bản chất của con người, nhưng không phải chúng ta sinh ra đã biết làm điều đó. Trẻ học nghệ thuật giao tiếp qua lăng kính của sự hòa nhập xã hội – nói chuyện lễ phép với người lớn, không được chửi thề nơi công cộng, dùng đúng ngữ pháp, thật trọng với những gì mình nói ra. Trẻ em cũng nhanh chóng hiểu được rằng ngôn ngữ có thể được lợi dụng, để điều khiển người khác chỉ bằng ngôn từ.

“Không phải con làm, chị ấy làm”, một đứa trẻ chỉ tay vào người khác nói. “Mẹ ơi, hôm nay mẹ xinh thế, mẹ mua cho con một cái xe đạp nhé”, câu nói này đã có hiệu quả ít nhất 1 lần. Và như rất nhiều cha mẹ đã biết, chỉ một đứa trẻ bé xíu với rất ít từ ngữ cũng có thể thành thạo trong việc đòi hỏi những gì mình muốn bằng những từ van nài.

Không có gì ngạc nhiên khi những đứa trẻ này sẽ biến thành những người trưởng thành biết sử dụng công cụ giao tiếp để sai khiến người khác vì mục đích của riêng mình.

Ở mức độ vô tư nhất, nói chuyện về người khác chỉ đơn giản là chia sẻ thông tin – “Có nhìn thấy anh chàng ở kia không? Anh ý là anh trai của bạn mình. Anh ấy thật dễ chịu”. Nhưng thông tin sẽ mang một sắc thái khác khi nó được người nói thêm chút nọc độc – “Có nhìn thấy gã kia không? Tôi nghe nói hắn là ông anh keo kiệt của bạn mình”. Và cứ thế cuộc nói chuyện tiếp diễn, thêm thắt những thông tin tiêu cực về chủ thể.

Trong khi đó, hoạt động chải chuốt của khỉ đầu chó thì không bao giờ làm được điều đó.

M.T.

 

Theo LiveScience, Vnexpress