Một hòn đảo xa ở Đại Tây Dương bị một giống chuột “sát thủ” khổng lồ chiếm cứ. Vì trên đảo hoàn toàn vắng bóng các thú ăn thịt, nên loài gặm nhấm này tăng kích thước một cách khó tưởng tượng và đe doạ sự sống chung của các loài quý hiếm, tờ The Daily Mail cho hay.
Đảo Gough nằm ở phía nam Đại Tây Dương, khoảng giữa châu Phi và Nam Mỹ. Nó nằm trong quần đảo Tristan da Cunha, thuộc Anh. Đảo không lớn, tổng diện tích chỉ khoảng 68km2, được đặt tên như vậy để vinh danh nhà hàng hải người Anh là Charles Gough đã đi qua đảo năm 1731 và dừng lại nơi đây, mô tả chính xác toạ độ của nó.
Vì đảo quá nhỏ và khí hậu quá lạnh nên chỉ có một số người trên đảo làm công tác ở trạm khí tượng luân phiên ra sống ở đây. Thế nhưng cách đây đã rất lâu có một số thuyền buôn ghé qua đảo và những con chuột nhà đi theo tàu, trốn lên đảo.
Những con chuột béo múp và tăng kích thước rất nhanh.
Loài chuột nhà mà ai cũng biết từ thời thơ ấu tìm thấy đảo Gough như một chốn định cư tuyệt vời. Vì không có loài thú ăn thịt nào nên bọn chuột sinh con đẻ cái với một tốc độ phi thường và kích cỡ của chúng cũng tăng lên nhanh chóng.
Chiều dài trung bình của những cư dân mới này lên tới 27cm (cả đuôi), trong khi những đồng loại của chúng hiện sống ở “quê cũ” (tức nước Anh) chỉ dài từ 7 đến 10cm, hiếm lắm mới có một con dài 11cm, nghĩa là chuột trên đảo to gấp rưỡi con chuột lớn nhất sống ở lục địa.
Theo đánh giá của những nhà sinh học, hiện nay trên hòn đảo nhỏ này có đến 1,9 triệu con chuột tức mỗi hecta có 300 con. Số chuột đông đúc ấy không đủ thức ăn, nên chúng chuyển từ loại thức ăn “cũ” sang bất cứ thứ gì.
Chẳng hạn chúng lùng sục trứng chim và những con chim non. Chúng tấn công cả những loài quý hiếm như hải âu đặc hữu của đảo Tristan và chim báo bão Đại Tây dương đang trên đường tuyệt chủng. Trên thế giới không đâu có những loài chim biển lớn đến như vậy.
Các nhà khoa học cho rằng biện pháp cơ bản là phải diệt loài gặm nhấm này tận gốc. “Không thể bỏ qua được chúng vì chúng là mối đe doạ tiềm tàng của hệ thực vật trên đảo và trong kế hoạch phải bao gồm cả nhiệm vụ phục hồi và quản lý hệ sinh thái trong đó có việc thường xuyên diệt chuột”, ông Ross Wanless, giảng viên Trường ĐH Captown nói.
Theo ông, hiện nay đàn chuột khổng lồ này đang trải qua tình trạng “đói khủng khiếp” và sẵn sàng ăn tất cả những gì chúng có thể kiếm được. Vì thế, việc diệt chúng vào thời điểm này khá thuận lợi, đơn giản, chỉ việc thả xuống đảo các bả chứa thuốc diệt chuột là có thể làm chúng chết hàng loạt.
Theo Vietnamnet, Dailymail