Chuột mẹ nhường năng lượng cho con khi sự sống bị đe dọa

0
139
Chuột mẹ nhường năng lượng cho con khi sự sống bị đe dọa

Một nhà nghiên cứu thuộc đại học bang Iowa đã phát hiện ra một điều lý thú: chuột nai mẹ ốm yếu hy sinh năng lượng của mình để sinh ra những đứa con khỏe mạnh hơn.

Lisa Schwanz – nhà nghiên cứu sinh thái, tiến hóa và sinh học quần thể – khi tìm hiểu kích cỡ con cái của chuột mẹ khỏe mạnh và những con ốm yếu nhận thấy chuột mẹ nhiễm động vật kí sinh sinh ra những đứa con to lớn hơn chuột mẹ khỏe mạnh.

Kết quả này rất bất ngờ bởi hầu hết các loài động vật có vú có xu hướng ưu tiên sự tồn tại của bản thân chúng khi bị bệnh tật đe dọa. Nghiên cứu của Schwanz mới đây được đăng tải trên tạp chí New Scientist.

Trong bài bà có viết: “Theo dự đoán, sinh vật thường giảm hoạt động sinh sản do loài kí sinh gây bệnh tác động mạnh nhất đối với khả năng sinh sản”. Nói cách khác “bệnh tật khiến loài vật có phản xạ phòng vệ cho sự tồn tại chứ không phải cho con cái của chúng”.

Tuy nhiên ở loài chuột nai dự đoán đã đi theo hướng ngược lại.

Trong nghiên cứu, Schwanz cho 30 chuột nai cái lây nhiễm động vật kí sinh làm giảm khả năng sinh sản về sau của chúng, thậm chí còn khiến chúng chết. Khi sinh ra những đứa con to khỏe hơn, chuột mẹ có lẽ đã đền bù được cho mất mát trong khả năng sinh sản của mình. Bà cũng giữ 21 con chuột nai khỏe mạnh để đối chứng.

Chuột mẹ nhường năng lượng cho con khi sự sống bị đe dọa

Chuột nai. (Ảnh: Rob Sandelin)

Sau vài tuần, tất cả các con chuột đều có đôi. Khi chuột con ra đời, dù là từ chuột mẹ khỏe mạnh hay ốm yếu, tất cả chúng đều được kiểm tra cân nặng và gắn thẻ theo dõi.

Kết quả cho thấy con cái của chuột mẹ bị bệnh có kích cỡ lớn hơn. Đối với loài chuột nai, kích cỡ cơ thể lớn tỉ lệ thuận với khả năng tồn tại và sức sinh sản.

Schwanz cho biết: “Điều này cho thấy loài vật có rất nhiều cách thức khác nhau để chống chọi với bệnh tật”. Do đây không phải là điều bà tính đến khi tiến hành nghiên cứu nên kết quả thu được đã khiến bà rất ấn tượng. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thu được những kết quả rõ rệt đến thế”.

Động vật kí sinh đưa vào nghiên cứu thuộc loài gián tiếp, chúng không thể lây nhiễm từ con chuột này sang con chuột khác. Chuột nai chỉ có thể nhiễm bệnh từ nguồn lây nhiễm chứ không phải từ một con chuột nai khác. Như thế Schwanz có thể đảm bảo chuột mẹ không lây nhiễm bệnh sang chuột con. 

 

Theo Trà Mi (Physorg)