Bức ảnh 3 chiều được 2 vệ tinh độc lập của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp và công bố hôm 6.2, cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên thấy được toàn bộ bề mặt của mặt trời.
Hai vệ tinh của NASA được phóng lên vào năm 2006, chúng di chuyển theo quỹ đạo của trái đất ở những tốc độ khác nhau.
Đến hôm 06/02, hai vệ tinh đã đối xứng nhau theo tâm mặt trời. Do đó, chúng có thể cùng lúc chụp ảnh một nửa bề mặt mặt trời.
Từ đó, các nhà khoa học của NASA đã xây dựng được bức ảnh hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay của bề mặt ngôi sao thuộc Thái Dương hệ.
Theo NASA, việc chụp được các bức ảnh quan trọng không kém khoảnh khắc con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Nó cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong ngành dự báo thời tiết không gian do các vệ tinh có thể quan sát được diễn biến của những cơn bão mặt trời hướng về trái đất.
Những thông tin mà chúng thu thập đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống liên lạc trên trái đất.
Nhà thiên văn học Robin Scagell cho biết, một cơn bão mặt trời lớn có thể gây tác động lớn với con người. “Chúng có thể phá hủy các vệ tinh và hoàn toàn có thể đánh sập mạng lưới điện”, ông Scagell nói với Sky News.
Nhà khoa học Heinz Wolff cũng ca ngợi cột mốc mới này: “Mặt trời là cuộc sống của chúng ta và một thay đổi nhỏ trên bề mặt của nó có thể tác động đáng kể đến chúng ta. Việc có được một bức ảnh tốt hơn về mặt trời sẽ giúp chúng ta dễ dự đoán điều gì sẽ xảy ra hơn“.
Theo Thanh niên