Chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích

Chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, ngày 15/4 vệ tinh quan sát Trái đất Pleiades của Pháp đã chụp được ảnh của vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới Envisat, bị mất liên lạc từ ngày 8/4 vừa qua. Bức ảnh được ghi lại khi 2 vệ tinh bay cách nhau khoảng 100km.

>>>Vệ tinh quan sát địa cầu lớn nhất thế giới mất tích

Chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích
Vệ tinh Envisat trông khá rõ nét trong bức ảnh do vệ tinh Pleiades ghi lại vào ngày 15/4

Vệ tinh Pleiades đã chụp được chi tiết phần thân, cánh pin mặt trời và ăng ten của Envisat. Hiện ESA đang phân tích ảnh để xác định các tấm pin mặt trời của nó có hướng về mặt trời không. Nếu ở đúng vị trí, pin vẫn có thể cung cấp đủ điện để vệ tinh hoạt động an toàn, nghĩa là có thể liên lạc lại với Envisat.

Volker Liebig, giám đốc Chương trình quan sát Trái đất của ESA, cho biết trên Space.com: “Cộng đồng vũ trụ quốc tế vẫn đang tiếp tục hợp tác để theo dõi vệ tinh bị mất tín hiệu của chúng tôi”.

Trước đó, một trạm radar mặt đất điều hành bởi Viện vật lý cao tần và kỹ thuật radar Fraunhofer ở Wachtberg (Đức) cũng đã chụp được ảnh Envisat, vào ngày 10/4. Các chuyên gia vũ trụ hy vọng những bức ảnh này sẽ giúp họ xác định được hướng bay của vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới.

Chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích
Hình ảnh của Envisat được ghi lại bởi trạm radar mặt đất ở Wachtberg (Đức) ngày 10/4

Trong khi đó, Trung tâm chiến dịch không gian chung (JSpOC) của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, đang theo dõi quỹ đạo của Envisat để kiểm tra nó có rơi khỏi quỹ đạo Trái đất không. ESA cho biết, một số trạm quan sát mặt đất khác cũng đang theo dõi quỹ đạo bay của Envisat.

Vệ tinh quan sát Envisat được ESA phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2/2002. Vệ tinh trị giá 2,9 tỷ USD này được trang bị 10 thiết bị cảm biến radar và quang học hiện đại nhất, giúp nó quan sát và theo dõi sự thay đổi đất, khí quyển, đại dương và các tảng băng lớn trên Trái đất.

Tham khảo: Space

 

Theo Vietnamnet, Space