|
Ảnh chụp con mực khổng lồ |
Các nhà khoa học Nhật Bản đã thu được những bức ảnh đầu tiên của một trong các sinh vật bí ẩn nhất dưới đại dương sâu thẳm – con mực khổng lồ.
Cho đến nay, thông tin duy nhất về hành vi của các sinh vật này – có chiều dài tới 18 mét – đều dựa vào những con mực đã hoặc đang chết bị vứt lên bờ, hoặc bị mắc vào lưới đánh cá.
Tuy nhiên Tsunemi Kubodera, thuộc Bảo tàng khoa học quốc gia và Kyoichi Mori từ Hiệp hội chăm sóc cá voi Ogasawara (đều ở Tokyo) đã thu được những hình ảnh đầu tiên của con mực Architeuthis khi con vật khổng lồ này đang bắt mồi ở độ sâu 900 mét dưới mặt nước lạnh, tối sẫm của vùng Bắc Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã thấy những hình ảnh hoang dã đầu tiên của một con mực khổng lồ trong môi trường tự nhiên của nó”, họ thông báo.
Rất ít thông tin được biết về loài vật này do việc tìm ra nơi ở và nghiên cứu chúng ở trạng thái còn sống là quá khó khăn. Thêm nữa, chỉ những chiếc tàu lớn được trang bị hiện đại mới có thể nghiên cứu những vùng biển sâu như vậy. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra con mực này khi đang theo dõi cá nhà táng – tay săn mực khổng lồ thiện nghệ – khi chúng đang tụ tập kiếm ăn trong vùng nước sâu ngoài khơi quần đảo Ogasawara ở Bắc Thái Bình Dương.
“Đặc điểm khác thường nhất của mực khổng lồ là cặp tua cực dài, phân biệt với 8 cánh tay ngắn hơn còn lại. Những chiếc tua dài tạo nên 2/3 chiều dài của các mẫu vật chết tìm thấy đến nay”, nhóm khoa học nói. Họ cũng bổ sung thêm rằng mực khổng lồ dường như là kẻ săn mồi tích cực hơn nhiều so với những phỏng đoán trước đây.
Năm 2001, một nhóm nghiên cứu khác cũng đã quay được hình ảnh của những con mực dưới lòng biển sâu trên 4 đại dương khác nhau, song chúng được cho là không thuộc giống mực khổng lồ Architeuthis. Các nhà khoa học kết luận chúng thuộc về một nhóm loài mực khác có tên gọi magnapinnids.
T. An (theo Reuters)
Theo VnExpress