Không chỉ riêng ở Sơn La, mà thực trạng nhức nhối ấy đang diễn ra ở nhiều tỉnh khác như Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang… Các cấp, ngành địa phương đã có sự quan tâm, tìm giải pháp khắc phục, song sự tiến triển vẫn còn quá khiêm tốn.
Vợ chồng trẻ con
10 tuổi, Giàng Thị H. ở xã Kim Bon (huyện Phù Yên) ngoài việc học, chỉ đỡ được mẹ làm cỏ trên nương, nấu cơm và bế em. Mới chỉ làm được những việc nhỏ, liệu cô gái mặt búng ra sữa đã đủ kiến thức làm vợ, làm dâu rồi sớm làm mẹ? Em lắc đầu nói không sau câu hỏi.
Bố mẹ chồng em cũng chẳng trả lời rõ ràng, nhưng họ khẳng định H. biết làm những việc lặt vặt. Chú rể là cậu bé Giàng Văn Ch., 13 tuổi, đang đi học thì “cướp” được H. (theo phong tục cướp vợ của người Mông) khi đó đang học lớp 4.
Điều đáng nói là, em không hề biết tương lai của hai vợ chồng sẽ ra sao, mà chỉ biết phụ thuộc bố mẹ. H. cao chưa đầy 1,3m, Ch. mới hơn 1,4 m, mặt mũi cháy rám và nhem nhuốc. Cuộc đời hai em cũng sẽ “tù mù”, đúng như bố mẹ các em thổ lộ. Song, hỏi vì sao không để vài năm nữa hẵng cho các em lấy nhau thì họ chỉ thở dài: “Phong tục nó thế rồi mà!”.
Hằng trăm đứa trẻ đã bị cuốn theo bởi phong tục dựng vợ gả chồng sớm như thế, nhất là tục bắt vợ của người Mông. Sự việc nhức nhối đến nỗi có những lớp học bỗng nhiên một hôm, vài em nữ vắng mặt hẳn, ở nhà theo chồng.
Phong tục ấy đã trở thành hủ tục, bị biến tướng, đúng như nhiều cán bộ dân số đã phát biểu. Chẳng ít gia đình còn lợi dụng cố tình cho con trai “bắt vợ” về để nhà có thêm người làm, giống như trường hợp Lò Văn Tỉnh và Lò Thị Mừng (cùng 16 tuổi, dân tộc Thái), ở bản Bó Hạc, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn). Lúc tôi đến thì cặp “vợ chồng trẻ con” đang chăm sóc con. Nhìn khuôn mặt non nớt của hai em, người ta tưởng là anh chị bế em, nhưng sự thật là bố mẹ chăm con.
Trò chuyện cùng gia đình, được biết vợ chồng anh Lò Văn Quý và chị Lò Thị Nguyện (31 tuổi) tảo hôn từ rất sớm, sinh ra cậu con trai cả Lò Văn Tỉnh đã đi vào vết chân cha. Tiếc thay, ngay cả chị Nguyện cũng có suy nghĩ lấy vợ cho con để xong một chuyện: “Vợ chồng em biết là sai, nhưng vẫn muốn cưới cho có người làm. Cũng là để con trai em khỏi đi đánh nhau. Bằng tuổi này vợ chồng em lên chức ông bà, cũng thường mà”.
Một trường hợp dở khóc dở cười khác diễn ra ở bản Khoan, xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai). Em Lò Văn Triển và Lò Thị Trang, đều 18 tuổi nhưng đã thích và yêu nhau ngay từ khi học ở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Một ngày đầu năm 2014, Triển về nói với bố là ông Lò Văn Thuẩn là sẽ bỏ học xin cưới Trang.
Ông Thuẩn đi khắp nơi hỏi han tìm cách đăng ký để làm đám cưới cho đôi trẻ. Cán bộ xã Chiềng Bằng không chấp nhận vì đôi bạn trẻ chưa đủ tuổi. Ông Thuẩn buộc phải đáp ứng đòi hỏi của con trai là đón Trang về ở với gia đình mình. “Không cho ở thì chúng nó dọa tự tử, nếu nó bỏ đi, dính nghiện thì còn khó quản hơn. Vợ chồng tôi chấp nhận xấu hổ, chưa cần cưới, đăng ký, mà cứ để bọn trẻ về ở với nhau cho yên tâm. Thế mà chúng nó cãi nhau như phường chèo ấy!”, ông Thuẩn thở dài.
Nghĩ đơn giản, chuyện trăm năm của đôi bạn trẻ cũng trở nên giản đơn đến đáng trách, và điều đó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng dân số, đời sống kinh tế bà con các dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) tỉnh Sơn La, năm 2013, toàn tỉnh có 7.618 cặp kết hôn thì có 1.234 cặp tảo hôn. Năm 2014 có 746 cặp tảo hôn trong tổng số 4.435 cặp kết hôn. Trong sáu tháng đầu năm 2015, số tảo hôn cũng lên đến vài trăm cặp. Ở Lai Châu, nhiều huyện như Sìn Hồ, Phong Thổ, hay ở Hòa Bình, Yên Bái, tỷ lệ tảo hôn trong nhiều xã ở mức trên 12%.
Khó xử lý
Hệ quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống (KHCHT), theo các chuyên gia, sẽ dẫn đến tử vong cao ở trẻ sơ sinh, nhiều trẻ em dị tật, chiều cao của người dân cũng bị chững lại. Các bệnh còi xương, bệnh bạch tạng, da vảy cá, mù màu, tan máu bẩm sinh… cũng hoành hành.
Đó là chưa kể đến điều kiện kinh tế của người dân chậm được nâng lên, đói nghèo đeo đuổi, trẻ em sinh ra có bố mẹ chưa đủ tuổi nên chưa làm giấy khai sinh, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Điều đó lý giải vì sao ở các vùng dân tộc thiểu số, những nơi tỷ lệ tảo hôn và KHCHT cao mà chúng tôi tìm hiểu, nhiều bà con bị tật bệnh, đói nghèo bủa vây.
Trước thực trạng ấy, cần lắm sự ra tay quyết liệt của các cơ quan chức năng, dần đẩy lùi tình trạng này. UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhằm can thiệp làm giảm tình trạng này. Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ pháp lý, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã có tỷ lệ tảo hôn và KHCHT cao. Song hiệu quả chưa cao.
Theo ông Trần Đình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục DS&KHHGĐ Sơn La, mục tiêu này gặp nhiều trở ngại bởi tình trạng muốn lập gia đình sớm, lập gia đình với người trong họ đã hằn sâu trong nếp nghĩ người dân, không phải một vài năm mà có thể đẩy lùi. Ông Nguyễn Trung Khải – Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La cũng chỉ ra: “Người dân hạn chế kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, nên vi phạm. Một nguyên nhân khác là do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân cần lao động sản xuất nông nghiệp đã khiến bà con bất chấp quy định luật pháp, bất chấp hiểm nguy, dựng vợ gả chồng sớm cho con”.
Nhằm nỗ lực giảm thiểu những hệ quả kể trên, ngày 16/7/2014, HĐND tỉnh Sơn La đã ra Nghị quyết số 78/2014/NQ-HĐND về chính sách và biện pháp thực hiện công tác DS&KHHGĐ trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2014-2020, phấn đấu giảm tình trạng tảo hôn còn 13,3%, hôn nhân cận huyết thống còn 0,28%. Song kết quả năm 2014, tỷ lệ tảo hôn là 16,8%, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống là 0,6%. Năm 2015, theo tìm hiểu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cũng kêu khó, ông Trần Tiến Dũng – Trưởng phòng Tư pháp Mai Sơn cho rằng, việc dùng biện pháp xử phạt đối với bà con là không khả thi. Bởi nhiều hộ có điều kiện thì sẵn sàng chịu phạt
từ một đến ba triệu đồng để được cưới. Với hộ nghèo không chấp hành nộp phạt thì cán bộ cũng không thể làm gì được. Nhiều cặp thiếu tuổi, chấp nhận sinh con lớn rồi khi đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn và khai sinh cho con. “Có những trường hợp chính cán bộ xuống nhà dân tuyên truyền không tảo hôn, họ vẫn cố tình cưới cho con. Cán bộ được mời vẫn đến dự. Thế thì bằng hòa!”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nỗ lực các giải pháp
Đối với công tác dân số, người cán bộ cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, chính các cộng tác viên dân số, cán bộ dân số ở cấp xã, một số cán bộ cấp huyện có trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thiếu kiên quyết, dễ thỏa hiệp khiến công tác giảm thiểu tảo hôn, KHCHT chưa đạt hiệu quả cao. Xác nhận điều này, ông Cầm Văn Tổ – Giám đốc Trung tâm DS&KHHGĐ huyện Mai Sơn chỉ ra thêm: Điều đáng nói là, vấn đề tảo hôn và kết hôn cận huyết thống dường như mới chỉ được hiểu thuộc về ngành y, trong khi đó cần phải được sự chung tay của ngành tư pháp, giáo dục, tài chính…”.
Ngay từ năm 2009, Chi cục DS&KHHGĐ Sơn La được giao thí điểm “Mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” tại 35 xã và 11 điểm trường phổ thông dân tộc nội trú. Tiếp đó thành lập được 99 tổ nhân viên thường trực tại 99 xã, phường, bao gồm đang thí điểm trước đó. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thuận, do lực lượng cán bộ mỏng, kinh phí hoạt động hạn hẹp, hiệu quả chưa được bao nhiêu. Hơn thế, Sơn La có địa bàn rộng, với tổng 204 xã, phường, thị trấn, thì việc các chương trình chưa “với tay” được tới hơn 100 xã, phường còn lại là điều thật sự đáng suy nghĩ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và KHCHT trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Ngành y tế Sơn La được giao phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan tham mưu, xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện những mục tiêu đề ra.
Xin nêu hình ảnh của những em gái đang tuổi ăn, tuổi học đã phải ôm con và những cặp vợ chồng nhí nhễ nhại ôm đứa con èo uột đi bệnh viện điều trị để kết thúc bài viết này. Đó không chỉ là vấn đề dân số, mà là bài toán kinh tế, chất lượng dân số, buộc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp hiệu quả hơn.
Chú rể kiện cô dâu ra tòa ngay sau ngày cưới vì mặt mộc quá xấu |
Nguồn: Theo Zing.vn/Theo Khỏe & Đẹp
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.