Có vẻ như các nhà du hành vũ trụ (NDHVT) là những “lực sĩ thép”, được tuyển chọn trong số những phi công hay chuyên gia quân sự khỏe nhất, có sức bền cao nhất. Nhưng thực tế không phải vậy. Không hiếm khi họ cũng bị đau ốm trên quỹ đạo, phải quay trở lại trái đất khẩn cấp.
Bác sĩ và Du hành gia làm việc trong khi huấn luyện. (Ảnh: CAND) |
Trong vấn đề này trách nhiệm rất lớn thuộc về các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của các phi hành gia, ngay từ những ngày đầu tiên họ tham gia vào đội bay. Khi có ai đó trên quỹ đạo bị bệnh, chính các bác sĩ sẽ ra quyết định cuối cùng: chấm dứt chuyến bay hay tiến hành chữa trị theo lệnh từ mặt đất. Nếu sai lầm sẽ phải trả giá đắt, vì có những khi tình huống diễn ra rất rối ren, không tiêu chuẩn.
Thêm vào đó, một số NDHVT tìm cách giấu bác sĩ cả chuyện về những cơn đau rất mạnh xảy ra trong thời gian bay. Họ giấu vì sợ các bác sĩ quyết định ngừng chuyến bay. Bởi biết bao công sức phải bỏ ra trong quá trình chuẩn bị, nhiều hy vọng được đặt lên đội bay, nhiều tiền của đã tiêu tốn, nên thật đáng thất vọng nếu nhiệm vụ chưa được thực hiện mà đã phải quay về trái đất.
Mệnh lệnh: Chấm dứt chuyến bay!
Trường hợp nổi bật nhất trong số này là chuyến bay trên trạm quỹ đạo “Salyut-7” vào năm 1985. Đội bay 3 người gồm chỉ huy đội bay là Trung tá không quân Vladimir Dzhanybekov , kỹ sư Viktor Savinhkh và nhà nghiên cứu Aleksandr Volkov. Lẽ ra, họ phải làm việc trên quỹ đạo nửa năm. Nhưng chỉ sau 2 tháng, Chỉ huy tàu Vladimir Dzhanybekov đã bị bệnh nặng vì viêm nhiễm.
Tình trạng sức khỏe của ông xấu đi khá nhanh. Với các thuốc có trên tàu không sao có thể giảm bớt cơn bệnh cấp tính. Và người ta phải ra quyết định: Ngừng ngay chuyến bay. Đội bay đã quay về trái đất không phải sau nửa năm, mà là sau 65 ngày đêm…
9 năm trước đó, người ta cũng đã phải ngừng chuyến bay của Boris Volnov và Vitaly Zolobov. Họ đã bắt đầu làm việc trên trạm quỹ đạo “Salyut-5” vào tháng 7/1976. Sau một thời gian các NDHVT nhận thấy có mùi lạ. Người ta nghi ngờ là khi ném hộp chứa chất thải sinh hoạt ra ngoài, hơi độc đã thâm nhập vào khoang tàu. Tình trạng sức khỏe của các NDHVT xấu đi trông thấy.
Đến tháng 8 thêm một sự cố nữa xảy ra – điện chiếu sáng bị mất, các thiết bị, quạt ngừng hoạt động, trạm trở nên như ngôi nhà chết và mất định hướng. Trong bóng tối âm u, với mối lo ngại tàu bị hở, đội bay đã đưa trạm “Salyut-5” trở lại được trạng thái làm việc.
Nhưng tình trạng stress nặng và những mùi lạ không qua đi một cách đơn giản đối với Zolobov. Ông bắt đầu khổ sở vì đau đầu, không ăn, không ngủ và không thể làm việc được. Một mệnh lệnh truyền tới từ mặt đất: Khẩn cấp hạ cánh.
Savinhkh và Dzhanybekov Soyuz-Ttrong tàu Salyut 7 (Ảnh: users.libero.it)
26 ngày hội chẩn liên tục
Chuyến bay thứ 5 của Gennady Strekalov là một ví dụ cho thấy trong vũ trụ thậm chí một vết xước đơn giản cũng có thể trở thành vấn đề phức tạp. Đó là một sự cố đã gây đau đầu không ít cho các nhà y khoa.
Năm 1995, khi làm việc trên trạm quỹ đạo “Mir”, Strekalov được phân công tháo dỡ buồng tắm. Do sơ ý, ông đã làm xước tay. Nói chung đó là vết xước không nghiêm trọng. Trên mặt đất thường chẳng ai chú ý đến những điều vặt vãnh như vậy. Và ngay cả trên vũ trụ Strekalov cũng không cho sự cố đó có điều gì đáng kể.
Nhưng chẳng bao lâu, tay ông bắt đầu đau, tấy đỏ lên nhiều. Một vài ngày sau tình hình vẫn không tốt hơn. Khi đó các bác sĩ bắt đầu lo ngại thật sự. Trong suốt 26 ngày đêm, ngày nào họ phải tiến hành hội chẩn.
Thậm chí người ta còn đưa ra giả thuyết uốn ván. Để chữa trị, các bác sĩ chỉ định một loại thuốc rất mạnh là prednizolon. May mắn thuốc này được tìm thấy trong tủ thuốc của trạm. Nói chung Strekalov đã phải trải qua thời gian không hề nhẹ nhàng.
Chỉ huy tàu bị sỏi thận
Tình huống căng thẳng hơn diễn ra trong thời gian chỉ huy đội bay chính đầu tiên Anatoli Berezovy làm việc trên trạm “Salyut-7”. Người ta chưa bao giờ tiết lộ về sự cố y khoa nghiêm trọng này, một sự cố đòi hỏi lòng dũng cảm rất lớn từ phía Berezovy Chỉ huy tàu Salyut-7″, ông bị sỏi thận. Tuy nhiên căn bệnh của ông đến tận bây giờ mới được tiết lộ.
Ông đã dũng cảm chịu đựng đau đớn để chuyến bay không bị ngừng trước thời hạn. Đó là chuyến bay dài kỷ lục – 211 ngày đêm – của một NDHVT.
Trong vũ trụ các bệnh biến chứng một cách không dự đoán được
Vậy tại sao lại có tình trạng bệnh cấp tính bất ngờ xảy ra trong các chuyến bay trên quỹ đạo? Vấn đề ở chỗ, ngoài trái đất là những điều kiện khác: phóng xạ, không trọng lượng, không gian sống kín… Ngoài ra trên tàu vũ trụ vẫn xuất hiện sự đột biến của vi khuẩn, nấm với những tính chất mới không ngờ được, ví dụ chúng “ăn” được kim loại, vật liệu polymer.
Trên một trong những trạm quỹ đạo của Nga, người ta đã phát hiện thấy hang vi khuẩn trên kính cửa sổ. Hiện nay người ta đã biết đến hơn 70 loại vi khuẩn sống trên trạm vũ trụ quốc tế. Tiếng ồn, stress, tình trạng làm việc căng thẳng, trong thời gian bay cơ thể bị thay đổi, trong đó có cả hệ thống kháng thể bị suy giảm… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của các NDHVT.
Nói chung, trên quỹ đạo không có căn bệnh nào không nghiêm trọng. Bất cứ căn bệnh gì như ngạt mũi hay đau mắt đỏ, nếu không được chữa trị kịp thời, đều có thể dẫn đến hậu quả nặng đối với các nhà DHVT.
Tuy nhiên, sức khỏe của mỗi thành viên đội bay đều được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Ngành y học vũ trụ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và luôn sẵn sàng trợ giúp cho các phi hành gia.
Hoàng Thương
Theo Trud, Nga, CAND.com.vn