Có đến 2 nghìn tỷ thiên hà trong vũ trụ có thể quan sát được, nhiều hơn gấp 10 lần so với dự đoán ngày trước. “Điều này rất đáng ngạc nhiên…”, Giáo sư Christopher Conselice ở Đại học Nottingham cho biết.
Nghiên cứu mới được tiến hành bởi Giáo sư Christopher Conselice ở Đại học Nottingham cùng những cộng sự tại Đài quan sát Leiden và Đại học Edinburgh, trong suốt 15 năm cùng nhau làm việc.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét mật độ các thiên hà trong vũ trụ ở nhiều giai đoạn khác nhau và phát hiện ra dường như số lượng thiên hà trong vài tỉ năm trước phải nhiều hơn ít nhất là 10 lần so với các con số từng được đưa ra trước đây. Hầu hết trong đó là các thiên hà nhỏ, khó quan sát.
“Điều này rất đáng ngạc nhiên, hơn 13,7 tỷ năm phát triển của vũ trụ kể từ Vụ nổ lớn, các thiên hà đã phát triển qua quá trình hình thành các vì sao và sáp nhập với các thiên hà khác”, Giáo sư Conselice cho biết: “Phát hiện trước đây có nhiều thiên hà hơn nghĩa là đã xảy ra các vụ sáp nhập lớn làm giảm lượng thiên hà trong vũ trụ”.
Có đến 2 nghìn tỉ thiên hà ngoài vũ trụ.
Trước đây chúng ta vẫn nghĩ rằng vũ trụ quan sát được có 100 tỷ thiên hà – con số ước tính được ghi nhận vào năm 1990 dựa trên dữ liệu của Kính thiên văn Hubble. Nhưng những mô hình tốt hơn và các công cụ mới đã được phát triển trong 20 năm qua cho thấy một vũ trụ “bận rộn” hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất này, có thể có từ 1 đến 2 ngàn tỷ thiên hà ngoài vũ trụ, và chúng ta chỉ mới quan sát được một mẩu nhỏ của nó.
“Chúng ta không quan sát được phần lớn các thiên hà, vì chúng rất mờ nhạt và nằm ở xa. Số lượng các thiên hà trong vũ trụ là một câu hỏi cơ bản của thiên văn học vẫn chưa được giải đáp, khi 90% các thiên hà trong vũ trụ vẫn chưa được nghiên cứu. Ai mà biết được sẽ có những điều thú vị gì khi chúng ta nghiên cứu các thiên hà kia với những thế hệ kính viễn vọng hiện đại tiếp theo?”, Conselice cho biết thêm.
Số liệu ước tính mới này là hệ quả quan trọng của các thiên hà đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau của vũ trụ. Tỷ lệ các thiên hà sáp nhập phải cao hơn nhiều so với vài tỷ năm đầu tiên của vũ trụ.
Thiên văn học là môn khoa học “mở rộng chân trời”. Khi thiết bị của chúng ta phát triển, chúng ta có thể nhìn sâu hơn và xa hơn vào vũ trụ. Với mỗi một tiến bộ mới lại cho thấy vũ trụ là một nơi rất phức tạp, lớn hơn và đông đúc hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Theo khampha