Một nhóm 21 nhà nghiên cứu đến từ 11 quốc gia bao gồm cả giáo sư Robert “JJ” Orth của Viện Khoa học biển Virginia (Mỹ) đã hoàn thành những nghiên cứu đầu tiên về nguy cơ tuyệt chủng của các cá thể cỏ biển trên toàn thế giới.
Sau 4 năm nghiên cứu theo yêu cầu của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đã cho thấy 10 trong số 72 loài cỏ biển được biết đến (chiếm 14%) đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, 3 loài trong số đó được xếp vào hàng nguy cấp.
Khảo sát cỏ biển (Ảnh: imer.ac.vn)
Các tác giả của công trình nghiên cứu đã cảnh báo rằng sự mất đi của các loài cỏ biển và sự đa dạng sinh học của cỏ biển sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và những người dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên và các dịch vụ sinh thái do cỏ biển mang lại. Việc xác định nguy cơ tuyệt chủng của 72 loài cỏ biển dựa vào những tiêu chuẩn trong danh sách đỏ những loài bị đe dọa tuyệt chủng của IUCN. Đây là phương pháp được chấp nhận rộng rãi nhất để đánh giá xác suất của một loài tuyệt chủng và tình trạng bảo tồn trên quy mô toàn cầu. Các cấp độ đánh giá là: “ít lo ngại”, “sắp bị đe dọa”, “sẽ nguy cấp”, “nguy cấp”, “cực kỳ nguy cấp”, “tuyệt chủng ngoài thiên nhiên” và “tuyệt chủng”.
Cỏ biển được ví như những cánh rừng dưới đại dương. Cỏ biển có tác dụng rất lớn trong hệ sinh thái như cung cấp môi trường sống cho nhiều loài thủy sinh, làm sạch nước, hấp thụ các chất dinh dưỡng, giảm thiểu tác động của sóng, giảm sự xói mòn bờ biển… Tuy nhiên ngày nay cỏ biển đang dần bị phá hủy bởi các hoạt động của con người như khai hoang đất, nạo vét, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và sự biến đổi khí hậu cũng góp phần làm cỏ biển bị suy giảm nhanh chóng.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam