Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ vừa công bố bức ảnh cho thấy sự hiện diện của chất lỏng ở bán cầu bắc của Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ. Phát hiện cho thấy sự sống có thể phát triển trên vệ tinh này.
Bức ảnh chụp bán cầu bắc của Titan vào ngày 8/7. Ảnh: NASA.
Titan là thiên thể có nhiều vùng trũng hình lòng chảo. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng tàu vũ trụ Cassini lên quỹ đạo sao Thổ để tìm kiếm những hợp chất hydrocarbon trên vệ tinh Titan vào năm 2004. Bề mặt của Titan khá mờ mịt nhưng các tia hồng ngoại vẫn có thể lọt qua. Vì thế Cassini được trang bị máy chụp ảnh hồng ngoại.
Trong lúc nghiên cứu những bức ảnh mà Cassini chụp Titan ngày 8/7, các nhà khoa học của NASA phát hiện một ảnh có những tia nắng đặc biệt. Sau khi phân tích những tia nắng trong bức ảnh, họ nhận thấy chúng được phản chiếu từ một vùng chứa chất lỏng. Đó là hồ Kraken Mare (có diện tích khoảng 400.000 km), Daily Mail cho biết.
Ảnh minh họa hồ chứa chất lỏng trên bề mặt Titan. Ảnh: NASA.
Suốt 20 năm qua giới khoa học luôn cho rằng metan và etan tồn tại trên bề mặt Titan.
Trang Space nói rằng chất lỏng trong hồ Kraken Mare không phải nước, mà là metan và etan. Hai chất này chứa các phân tử carbon và hydro.
“Titan và trái đất là hai thiên thể duy nhất trong hệ Mặt Trời có nước trên bề mặt. Bức ảnh của tàu Cassini nói lên rất nhiều điều về Titan. Nó có một bầu khí quyển dày, nhiều hồ lớn và chất lỏng”, Bob Pappalardo, một chuyên gia của NASA, phát biểu với Space.
Sự tồn tại của các hợp chất hydrocarbon ở dạng lỏng trên Titan là mối quan tâm của các nhà khoa học vì những hợp chất này có thể tạo ra môi trường nuôi dưỡng sự sống.
Ralf Jaumann, một chuyên gia khác của NASA, nói: “Trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chất lỏng trên bề mặt Titan. Có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời. Các hiện tượng thời tiết có tồn tại trên đó hay không? Liệu mưa có tồn tại? Chất lỏng có di chuyển trên bề mặt Titan?”.
Theo VnExpress