“Anh là một người đàn ông chưa đủ lớn”, mẹ anh hay nói như vậy với anh, anh chỉ cười khì khì. Anh thấy mình không cần phải lớn và cũng không cảm thấy phải có trách nhiệm với bất kỳ ai. Cuộc sống của anh diễn ra êm đềm từ khi nhỏ đến khi đi học chuyên nghiệp, ra trường, đi làm và lấy vợ. Anh không có thói quen “phục vụ” người khác, bởi nhà cũng chẳng có việc gì theo anh là vậy.
Anh lấy vợ, anh bắt đầu bị “sai bảo”, anh ghét điều ấy. Vợ anh, chốc chốc lại nhờ anh lấy cái này, nhờ anh làm việc nọ. Anh đang dở ván game, anh thích nằm ườn ở ghế, anh không muốn làm cùng vợ, anh khó chịu, anh làm uể oải rồi anh cáu gắt. Trước đây, khi chưa lấy vợ không bao giờ anh phải đụng đến việc phơi quần áo, nhặt rau, hay rửa ấm chén, việc đó đã có mẹ anh làm. Giờ lấy vợ, hai người ở riêng, đi làm về, anh khó chịu, vợ anh nhờ anh nhặt rau trong khi cô ấy làm thức ăn, khi vừa nhặt rau xong thì cô ấy đã nghĩ ngay ra việc khác cho anh làm, anh thu quần áo bỏ vào máy giặt giúp cô để vợ anh đi lau nhà, anh không thích…. Anh thấy những việc ấy không phải dành cho anh, những việc ấy là của vợ.
Anh không hiểu, tại sao anh đi làm về muộn, từng ấy việc vợ vẫn làm xong, vậy mà khi anh ở nhà cô vẫn “sai” anh như vậy? Chẳng lẽ, chồng không làm cô ấy không chịu được? Anh ức chế, quát vợ, vùng vằng đá rổ rau tung tóe, gắt lên “từ giờ đừng có nhờ vả gì anh, tốt nhất là tự lo lấy đi, đừng có nhờ người khác” rồi phóng xe ra ngoài quán, chỉ là bữa cơm với mấy cái quần áo rồi lau nhà cửa, ngày nào cũng bắt anh động tay, động chân. Anh mệt mỏi, anh nghĩ mình dại khi lấy vợ, trước khi lấy cô anh đâu phải làm những việc ấy, đi về có cơm ăn, ăn xong có người rửa bát, thậm chí quần áo mặc xong còn chẳng cần phải thu dọn, mẹ anh khắc mang đi giặt, là rồi lại treo vào tủ cho anh. Vợ anh quả là hạch sách lắm chuyện.
Anh trở về, mọi thứ đã được dọn dẹp sạch sẽ, vợ vẫn đợi cơm. Anh hầm hầm không thèm nói với vợ một câu, anh vẫn tức giận cái kiểu thích sai người khác của vợ, anh phải tỏ ra tức giận một lần cho vợ biết rõ quan điểm của anh, việc bếp núc, nội trợ, con cái là của đàn bà. Anh vào phòng ngủ, không thèm nhìn vợ nhưng vẫn nghe ngóng, tiếng bát đũa lạch cạch, có lẽ vợ anh đã dọn mâm.
Buổi sáng ngủ dậy, anh thấy không có gì thay đổi, vợ vẫn dậy sớm nấu bưa sáng cho anh ăn, không như mọi ngày, vợ anh gọi anh dậy làm cùng cô ấy, giờ anh ngủ dậy đã sẵn bữa sáng. Anh cảm thấy thoải mái hơn, chỉ là bữa sáng thôi mà, có gì to tát đâu mà phải gọi chồng dậy, hơn nữa không ăn ở nhà thì ra ngoài ăn.
Mọi thứ cứ trôi qua bình lặng, anh cũng dần quên đi câu chuyện tối hôm đó, bởi giờ đây anh được vợ nuông chiều như khi ở với mẹ, anh không thấy vợ nhờ vả bất cứ điều gì nữa, chỉ có điều cô ấy ngủ muộn hơn và dậy sớm hơn mà thôi. Anh thấy cô vẫn cười nói, vẫn vui vẻ, anh cũng dần quen với nếp sống không bao giờ vợ nhờ bất anh bất cứ việc gì.
Vợ có bầu, anh là người vui hơn ai hết, ai chẳng mong vợ mình có bầu, điều ấy chứng tỏ mình là thằng đàn ông bình thường, lấy được vợ bình thường. Nhiều bạn bè của anh lấy vợ mãi không có con cũng khiến họ lo sốt vó, còn anh, thế là điều quá tuyệt vời. Anh chỉ nghĩ được đến thế, còn lại anh không nghĩ được điều gì hơn, anh vẫn thấy vợ anh vui vẻ với anh, vợ anh vẫn không nhờ anh bao giờ.
Nghe mấy ông bạn tán chuyện, vợ mấy ông mang bầu, cô này nghén ngẩm khó chiều, cô kia bắt đèo đi khám thai, cô khác lại khó tính hơn rất nhiều. Rồi mệt mỏi việc phục vụ vợ từ A đến Z. Anh giật mình, vợ anh mang thai tháng thứ mấy anh còn chẳng biết, bởi chưa bao giờ anh thấy vợ bảo nghén, cũng chưa bao giờ anh phải đưa vợ đi khám thai, mọi thứ vẫn diễn ra rất bình thường. Anh có nghĩ thoáng qua đôi chút, rồi anh vào mạng đọc qua loa, à có người hợp chửa, không nghén lại khỏe ra. Có khi vợ anh rơi vào trường hợp ấy.
Hôm đó, anh về muộn, cửa nhà khóa chặt, anh thấy khó chịu làu bàu, chưa bao giờ vợ anh về muộn hơn anh chưa kể hôm nay anh còn đi về khá muộn. Bước vào nhà tối om, lạnh ngắt, cơm nước chưa nấu, nhà cửa bừa bộn. Anh bực bội nghĩ “định thử anh hả? đừng tưởng anh không nấu được cơm”. Anh phăng phăng vào bếp, lại gần thùng gạo, anh lưỡng lự, anh không biết hai vợ chồng ăn hết mấy bơ gạo, mà lấy gạo rồi lượng nước cho như nào anh cũng chẳng biết. Lò dò bật điện thoại lên mạng tìm kiếm, phải mất già hai mươi phút sau anh mới cắm được nồi cơm mà lại còn quên bật nút nấu, anh bực tức. Mở tủ lạnh ra, thấy có tôm và rau rút, đúng rồi, anh thích ăn rau rút nhưng chưa bao giờ anh làm nó, cũng chưa bao giờ để ý vợ làm nó, anh không biết làm thế nào. Nếu mở mạng ra tìm kiếm, chắc phải hết đêm mới được ăn, lại còn tôm nữa, tôm phải làm thế nào? Rồi một loạt hộp xanh, đỏ, tím, vàng đựng gia vị, anh không phân biệt được đâu là hộp đường, đâu là hộp tiêu, đâu là hộp muối. Anh cảm thấy vừa tức giận, vừa bất lực với chính bản thân mình. Căn bếp giờ quá xa lạ đối với anh, anh không nhớ dược đã bao lâu rồi anh không bước chân vào bếp.
Thứ duy nhất anh nghĩ được là gọi cho vợ, không biết la cà đâu giờ này chưa về. Phải đến lần gọi thứ hai mới thấy vợ bắt máy, vừa có tiếng alo anh gắt ngay “đi đâu giờ chưa về?”. Anh vừa gắt hết câu đầu dây bên kia đã vang lên tiếng nghiêm nghị “Sơn à, con vào viện đi, Ngọc đang cấp cứu trong viện…”. Anh sững sờ, vội vàng chạy vào viện.
Mẹ vợ cho anh biết, vợ anh đang làm thì thấy có vệt máu chảy xuống chân, cô ấy đã gọi cho bà và nhờ người ở cơ quan gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Mẹ vợ nhìn anh thở dài “có chồng mà cũng như không, chắc lấy về cho vui mắt à?” rồi quay bước. Vợ anh không gọi cho anh. Bác sĩ bảo em bé dọa sảy thai, bác sĩ bảo vợ anh đã làm việc quá sức, đầu óc quá căng thẳng và không được nghỉ ngơi đầy đủ trong suốt thời gian dài, cơ thể suy nhược nhiều. Giờ em bé yếu, vợ anh yếu, phải nằm viện dưỡng thai không sẽ mất con và nếu nguy hiểm còn mất cả mẹ. Một nỗi sợ hãi kèm ân hận dâng lên trong anh, anh sẽ mất vợ mất con sao? Anh không bao giờ nghĩ mọi thứ lại có thể tồi tệ đến vậy.
Vợ anh đã tỉnh, cô đặt tay lên bụng và khóc, anh vừa tức vừa thương trách vợ sao không gọi cho anh. Vợ anh liếc nhìn anh lạnh lùng, buông lời chua chát “Em không dám nhờ anh, em biết rằng cả cuộc đời này anh sẽ không lo lắng gì cho mẹ con em cả nên tốt nhất là em tự lo lắng cho mình và con thôi! Anh yên tâm, em đã nhờ bà ngoại chăm sóc mẹ con em rồi nên anh không sợ sẽ phải chăm sóc em đâu, anh cứ về đi” rồi cô nhắm mắt lại ép hai hàng nước mắt lăn dài, anh bỗng giật mình. Từ bao giờ anh đã trở thành người chồng vô hình trong chính ngôi nhà của mình? Từ bao giờ anh đã tự tước đi quyền được làm chồng, làm cha, được quan tâm chăm sóc và chia sẻ với vợ con? Hai giọt nước mắt anh vô thức rơi…
Nguyễn Sơn
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.