Em sinh ra ở một miền quê của tỉnh Thái Bình. Nhà em không giàu có nhưng cũng không thua kém ai trong làng trong xã.
Trong gia đình, mẹ em là giáo viên, bố em cũng là hiệu trưởng của một trường cấp 2. Bản thân em sau khi tốt nghiệp đại học cũng đã có bằng thạc sĩ và một công việc ổn định, thu nhập tốt tại Thủ đô.
Nhà chồng em, nói về kinh tế thì hơn hẳn gia đình em vì họ vừa làm nhà nước vừa làm kinh doanh. Em và chồng yêu nhau chưa được 1 năm nhưng vì không còn quá trẻ nên chúng em quyết định kết hôn.
Khi anh đến xin cưới, gia đình em không thách cưới, cũng không yêu cầu lễ ăn hỏi phải quá hoành tráng. Bố mẹ em chỉ yêu cầu làm theo phong tục của làng, người ta sao thì mình vậy, đừng quá tốn kém nhưng cũng đừng đơn giản quá mà dân làng cười chê. Bởi họ đã cười, đã chê thì họ chê mãi, đi đến đâu cũng sẽ có người bàn tán, châm chọc. Như thế, bố mẹ sống ở làng sẽ bị mang tiếng.
Sau đó, qua tìm hiểu và tư vấn của bố mẹ, em thống nhất với chồng, lễ ăn hỏi sẽ phải có 5 hoặc 7 tráp. Bên cạnh đó là một phong bì 5 – 10 triệu thay cho lễ mặn đi cúng ông bà tổ tiên của cô dâu.
Bởi theo phong tục của làng em, đám cưới dù nhà nghèo hay nhà giàu thì lễ ăn hỏi cũng phải 5 – 7 tráp và một phong bì. Riêng phong bì thì có sự phân biệt để phân cấp. Ví dụ, cô dâu ít học hành, nghề nghiệp bình thường thì phong bì chỉ khoảng 3 – 5 triệu. Cô dâu được học hành đoàng hoàng, nghề nghiệp đoàng hoàng thì phong bì từ 5 triệu trở lên. Phong bì càng lớn thì giá trị của cô dâu và nhà gái càng cao.
Khoản phong bì này, sau khi ăn hỏi xong, bố mẹ thường cho lại con để làm vốn liếng nhưng trong lễ ăn hỏi thì bắt buộc phải có.
Chồng em, sau khi nghe xong cũng đã nhất trí với ý kiến của em. Anh bảo, anh sẽ nói bố mẹ chuẩn bị lễ ăn hỏi gồm 5 tráp và phong bì 10 triệu để không thua kém ai trong làng. Vì thế, em đinh ninh là mọi chuyện đã theo dự kiến.
Đến giờ ăn hỏi, gia đình em chuẩn bị 5 cô gái trẻ để bê lễ và có rất đông anh em họ hàng tới chung vui. Tuy nhiên, khi nhà trai đến, gia đình em sững sờ vì lễ ăn hỏi quá sơ sài.
Không có thanh niên nào bê lễ, cũng không có 5 tráp như chúng em đã thống nhất. Vẻn vẹn cả đoàn ăn hỏi chỉ có 1 tráp. Trong tráp là mấy quả cau, vài bao thuốc, 1 gói bánh, 1 túi kẹo và 1 chiếc phong bì 3 triệu.
Khỏi phải nói, bố mẹ em tái mặt đến mức nào. Một số người trong họ, không nể nang còn nói trước mặt cả họ nhà em, bảo, “tưởng thế nào, như này không bằng con nhà bắt cua bắt ốc không được học hành…”
Em nhìn bố mẹ tủi hổ với làng xã mà chảy nước mắt vì thương. Em thương bố mẹ bao nhiêu em bực tức với gia đình nhà trai bấy nhiêu.
Em gọi hỏi chồng thì anh bảo, bố mẹ anh nói, yêu cầu của nhà gái cao quá, không việc gì phải thế, ở gần nhà anh, mọi người làm lễ ăn hỏi rất đơn giản, thậm chí là không cần phong bì. Nhà mình đòi hỏi phong bì thì chỉ đi 3 triệu và 1 tráp là đủ.
Em giận giữ tột độ. Gia đình nhà chồng em không nghèo. Hơn nữa, đi hỏi vợ thì phải theo phong tục của nhà vợ chứ sao lại lấy phong tục nhà mình ra để áp đặt cho nhà gái?
Như vậy có phải là chồng em quá nhu nhược hay không? Vì sao đám ăn hỏi của mình mà anh không được quyền quyết định lại phải vâng lời bố mẹ ?…
Càng nghĩ em càng thấy cay đắng,, em không muốn về làm dâu con trong gia đình ấy nữa. Em muốn hủy đám cưới. Mong mọi người hãy cho em lời khuyên để em có quyết định sáng suốt nhất trong trường hợp này.
Nguồn: Theo Việt Nam Net
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.