Nhiều chuyên gia nông nghiệp Mỹ khẳng định, sự lây nhiễm của cỏ linh lăng biến đổi gene đối với cỏ truyền thống là không thể tránh khỏi, dù Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ gần đây thông báo cho phép trồng loại cây này và khẳng định chính phủ sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn lây nhiễm.
Mỹ sẽ cho phép trồng cỏ linh lăng biến đổi gene
Những người ủng hộ cỏ linh lăng biến đổi gene gần đây thúc giục Bộ nông nghiệp Mỹ cho phép sử dụng cỏ linh lăng biến đổi gene, do công ty Monsanto tạo ra, làm thức ăn cho gia súc, vì cho rằng, việc sử dụng giống cỏ này giúp nông dân trồng thêm nhiều cỏ trên mỗi diện tích đất và góp phần giữ giá lương thực ở mức thấp.
Quyết định của Bộ nông nghiệp Mỹ hồi cuối tháng 1 nhằm giảm kiểm soát với cỏ linh lăng biến đổi gene là động thái mới nhất trong quá trình tranh cãi lâu dài. Một tòa án liên bang nước này năm 2008 ra lệnh cấm trồng linh lăng biến đổi gene, vì lúc đó Bộ nông nghiệp chưa xem xét đầy đủ tác động của nó đối với môi trường và sức khỏe. Tòa án tối cao Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm ngoái, nói rằng quyết định của tòa án dưới quyền đã đi quá xa.
Khi công bố quyết định nới lỏng kiểm soát cỏ linh lăng biến đổi gene, Bộ trưởng Vilsack nói ,cơ quan này sẽ tiến hành các biện pháp để đảm bảo cỏ linh lăng biến đổi gene sẽ không giao phấn chéo với cỏ hữu cơ và không biến đổi gene. Quan chức của Bộ nông nghiệp tử chối trả lời câu hỏi về các biện pháp cụ thể sẽ như thế nào, mà chỉ nói rằng một tài liệu được đăng tải trên trang web của bộ này đã nói cụ thể.
Thông báo của Bộ trưởng Vilsack nói rằng, các kế hoạch của họ bao gồm việc mở rộng một chương trình ở bang Washington để sản xuất ra nhiều hạt giống linh lăng biến đổi gen và duy trì nguồn cung giống thuần chủng.
Ngoài ra, các nhà khoa học di truyền nông nghiệp đã được lệnh phải tìm ra biện pháp bảo vệ cỏ linh lăng không biến đổi gene, giống như các biện pháp đã thực hiện với ngô. Ông Vilsack cũng hứa sẽ dành 1 triệu USD cho chương trình nghiên cứu về sự thụ phấn để biết vùng đệm giữa cỏ biến đổi gene và cỏ thông thường cần rộng bao nhiêu để ngăn chặn lây nhiễm.
Tuy nhiên, những người phản đổi khẳng định, việc trồng ồ ạt cỏ linh lăng biến đổi gene sẽ làm phấn hoa của chúng được thụ cho cỏ truyền thống. Dù cỏ linh lăng hầu như chỉ được phơi khô làm thức ăn cho gia súc, nhưng nhiều người tiêu dùng không muốn ăn thịt, sữa từ những gia súc ăn thức ăn biến đổi gene.
Những biện pháp chính phủ đưa ra không đủ để ngăn chăn sự lây nhiễm vì sự giao phấn chéo tất yếu sẽ xảy ra bất chấp các biện pháp ngăn chặn, nhà nông học Jeff Wolt công tác tại Trung tâm khoa học hạt giống, ĐH Bang Iowa, nói.
Cỏ linh lăng tồn tại từ năm này qua năm khác mà không cần trồng lại mỗi năm, nhưng nó lại được xen canh với những cây trồng khác theo chu kỳ vài năm một lần. Quá trình thụ phấn của cỏ linh lăng phức tạp hơn nhiều cây trồng khác như ngô, vì quá trình thụ phấn không phụ thuộc nhiều vào côn trùng.
Cỏ linh lăng được trồng trên diện tích khoảng hơn 8 triệu ha ở gần như tất cả các bang của Mỹ…
Nếu côn trùng không mang phấn hoa từ cỏ biến đổi gene sang cỏ không biến đổi gene, quá trình lây nhiễm vẫn xảy ra nếu hạt giống không biến đổi gen dự trữ tình cờ bị trộn với hạt giống biến đổi gene, hay cỏ biến đổi gene được mang tới trồng ở cánh đồng vừa được trồng xen canh. Theo Wolt, vấn đề đối với người nông dân là nhiều người mua không chấp nhận mua cỏ bị lây nhiễm.
Ngô, đậu tương, cải hạt dầu, và gạo đều bị lây nhiễm khi giống biến đổi gene được đưa vào thực tế. Các biện pháp bảo vệ cây không biến đổi gene và cây hữu cơ phải được thực hiện trước khi cỏ linh lăng biến đổi gen được giảm bớt kiểm soát, Kristina Hubbard, giám đốc Liên minh ủng hộ giống cây trồng hữu cơ (Mỹ), nói.
Mối quan tâm lớn nhất của Liên minh hiện nay là làm sao để giúp người nông dân trồng cây không biến đổi gene và cây hữu cơ không bị thiệt hại do quá trình lây nhiễm. Họ cho rằng công ty phát triển và tung ra giống cây trồng này phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do quá trình lây nhiễm gây ra.
Cỏ linh lăng được trồng trên diện tích khoảng hơn 8 triệu ha ở gần như tất cả các bang của Mỹ. Đây là cây trồng phổ biến thứ tư ở Mỹ, sau ngô, đậu tương và lúa mỳ.
Theo Đất Việt