Máy gia tốc hạt lớn tái khởi động tối qua sau khi gặp sự cố cách đây hơn một năm, và sẽ bắt đầu quá trình mô phỏng vụ nổ Big Bang.
AP cho biết, các luồng proton đã di chuyển vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trong Large Hadron Collider – cỗ máy nằm trong đường hầm có chiều dài tới 27 km. Trước đó nó bị hư hỏng nặng bởi một sự cố điện.
Sự di chuyển của các luồng hạt proton là một thành công đáng kể. Theo AP, tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu quyết định cho Large Hadron Collider phục hồi hoạt động theo từng bước để đảm bảo rằng nó sẽ không gặp phải những sự cố trước kia. Theo kế hoạch cỗ máy sẽ bắt đầu thực hiện những thử nghiệm mô phỏng quá trình tạo nên vật chất trong vũ trụ từ tháng 1 năm sau.
Máy gia tốc hạt lớn được đặt trong đường hầm dài 27 km, rộng 3,8 m. (Ảnh: nasa.gov).
Large Hadron Collider có trị giá tới 6,2 tỷ USD, là cỗ máy gia tốc hạt hiện đại nhất và lớn nhất thế giới hiện nay. Nó được thiết kế để tạo ra va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong những loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Nhiệm vụ chính của máy gia tốc hạt lớn là tạo ra những điều kiện ban đầu giống như thời kỳ vũ trụ mới hình thành để tìm hiểu chi tiết sự hình thành của vật chất. Vì thế mà nó được mệnh danh là “cỗ máy tạo hóa“.
15 nước đã cung cấp kinh phí cho dự án chế tạo máy gia tốc hạt lớn. Hơn 8.000 nhà khoa học cùng hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm đã tham gia thiết kế. Chiếc máy được chứa trong một đường hầm nằm ở độ sâu 100 m dưới mặt đất ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Đường hầm có đường kính 3,8 m, có cấu trúc bê tông và được xây dựng từ năm 1983 đến 1988.
Cỗ máy bắt đầu chạy thử từ năm ngoái, nhưng bị hỏng vài ngày vì rò khí heli. Sau khi sự cố được khắc phục nó đã vận hành trở lại. Nhưng rồi trong mấy ngày đầu tháng 11 nó lại hỏng bởi một mẩu bánh mỳ trong hệ thống cấp điện cao thế cho bộ phận làm lạnh.
Theo Vnexpress