Các nhà khoa học Mỹ chế tạo thành công một cỗ máy cỡ nano có khả năng nâng vật nặng gấp 165 lần khối lượng của nó.
Các nhà khoa học tại Đại học Rutgers, Mỹ, chế tạo thành công một cỗ máy chỉ nặng 1,6 miligam, nhưng có thể nâng vật nặng gấp 165 lần khối lượng của nó, theo UPI. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 30/8.
Thiết bị nặng 1,6mg có thể nâng vật nặng gấp 165 lần khối lượng của nó (265mg). (Video: UPI).
Cỗ máy bắt chước cơ cấu hoạt động của một cơ bắp, bằng cách chuyển đổi năng lượng hóa học thành năng lượng cơ học. Sức mạnh của nó bắt nguồn từ quá trình nạp và loại bỏ ion giữa các tấm disulfide molybden (MoS2) siêu mỏng, chỉ dày ba micromet.
MoS2 là hợp chất khoáng vô cơ với cấu trúc phân tử tương tự graphene. Trong khi những nguyên tử cùng một lớp gắn kết chặt chẽ với nhau, liên kết giữa các lớp rất yếu cho phép chúng dễ dàng tách rời nhau.
“Chúng tôi thấy rằng, thiết bị có thể nâng một khối lượng nặng hơn nhiều so với chính nó bằng cách tác động vào các tấm MoS2 một điện áp nhỏ”, Manish Chhowalla, giáo sư về khoa học vật liệu tại Đại học Rutgers, nói.
Thiết bị siêu nhỏ làm từ các tấm MoS2 có độ dày 3 micromet. (Ảnh: Đại học Rutgers).
Chhowalla cho biết, các tấm MoS2 trong tương lai sẽ được dùng để làm ra những thiết bị truyền động điện hóa học có khả năng chịu áp lực và sức căng ở mức độ cao. “Bước tiếp theo là mở rộng quy mô và cố gắng làm ra những thiết bị truyền động có thể di chuyển những vật thể lớn hơn”, Chhowalla nói.