Trong lòng mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể ẩn chứa một đại dương – đây là phát hiện mới của NASA sau nhiều năm phân tích hình ảnh được tàu thăm dò Cassini ghi lại. Những thông số đo đạt về hoạt động quay của mặt trăng này cho thấy nó hơi lắc lư giống như chuyển động tự nhiên của một quả trứng sống khi chúng ta xoay nó trên bàn.
Trong lòng mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể có một đại dương lớn
Đây là phát hiện mới nhất trong loạt những nghiên cứu về hoạt động địa chất của 6 mặt trăng lớn nhất của sao Thổ. Sự tồn tại của nước gần bề mặt, có thể là một hồ lớn hoặc biển trên Enceladus bắt đầu được các nhà khoa học tình nghi khi Cassini chụp được các mạch nước bốc hơi, tinh thể băng và các phân tử hữu cơ đơn giản thoát ra từ các khe nứt tại cực nam của mặt trăng này. Tuy nhiên, những thay đổi về lực hấp dẫn của mặt trăng do Cassini đo được gợi ý rằng sâu bên dưới bề mặt đóng băng của Enceladus có thể là một đại dương lớn.
Phát hiện này dường như đã xác nhận cho nghi vấn về sự tồn tại của một đại dương bắt nguồn từ những dữ liệu phân tích độc lập về hiện tượng lắc lư hay đu đưa trong chuyển động tự quay của mặt trăng Enceladus được tàu Cassini đo được sau khi nó xâm nhập hệ sao Thổ và bắt đầu bay ngang thăm dò nhiều mặt trăng của hành tinh này từ năm 2004. Để đo được chuyển động lắc lư của Enceladus, các nhà khoa học đã so sánh nhiều hình ảnh chụp lại một đặc điểm nào đó trên mặt trăng, chẳng hạn như các miệng hố trong suốt nhiều năm. Với hàng trăm hình ảnh như vậy, họ có thể đo và kết luận rằng mặt trăng có sự lắc lư nhẹ khi quay.
Enceladus là mặt trăng lớn nhất của sao Thổ.
Theo NASA, sở dĩ có sự lắc lư này một phần là do hình dạng hơi méo của Enceladus và một phần do quỹ đạo hình elipse của nó quanh sao Thổ. Kết hợp cả 2 tạo ra một lực kéo không đều khiến Enceladus có thể thay đổi bất thường tương tự như chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất. Câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến nó lắc lư nhẹ như vậy và đặt ra nghi vấn liệu nó có phải là một vật thể rắn hoàn toàn hay không?
Bằng việc xử lý một loạt các mô hình máy tính, các nhà khoa học tại NASA cho rằng theo kịch bản khả năng nhất thì cường độ lắc lư của mặt trăng Enceladus bị ảnh hưởng bởi lớp vỏ băng và lõi đá được phân tách bởi một lớp chất lỏng. Điều này tạo ra sự mất cân đối lớn hơn khi mặt trăng quay, tương tự như khác biệt giữa xoay một quả trứng đã luộc chín và một quả trứng sống, quả trứng sống sẽ chao đảo bởi lòng đỏ bên trong sẽ mất cân bằng khi xoay.
Matthew Tiscareno – nhà khoa học đến từ viện SETI, Mountain View, California cho biết: “Nếu bề mặt và lõi được kết nối chặt chẽ, phần lõi sẽ có thể cung cấp đủ trọng lượng chết để cường độ lắc lư có thể nhỏ hơn so với những gì chúng tôi quan sát được. Qua đó chứng minh rằng phải có một lớp chất lỏng phân tách bề mặt và lõi của Enceladus”.
Các nhà khoa học hiện đang tìm cách xác định xem điều gì khiến Enceladus lại hoạt động không giống như một khối đá đóng băng. Nhiệt thủy triều của sao Thổ là một trong số các khả năng. Để giúp tìm ra câu trả lời, tàu Cassini đã được lên lịch khảo sát một trong những dải khí cực ở độ cao khoảng 49km vào ngày 28 tháng 10 tới.
Theo Tinh Tế