Có thể ‘đoán động đất’ nhờ không khí

Vài ngày trước khi trận động đất dữ dội hồi tháng 3 tại Nhật Bản xảy ra, không khí phía trên tâm chấn thay đổi bất thường.

Dimitar Ouzounov, một giáo sư bộ môn Khoa học trái đất của Đại học Chapman tại bang California, Mỹ cùng các đồng nghiệp phân tích dữ liệu vệ tinh về không khí trong vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất lịch sử tại Nhật Bản hôm 11/3. Họ nhận thấy mật độ điện tử (electron) trong tầng điện ly và bức xạ hồng ngoại tăng lên trong những ngày trước khi động đất xảy ra, Livescience cho biết.

Trước khi địa chấn xuất hiện, đường phay (hay đường đứt gãy) giải phóng nhiều khí radon hơn so với lúc bình thường. Quá trình này giải phóng nhiệt và các nhà khoa học có thể phát hiện lượng nhiệt đó bằng máy dò bức xạ hồng ngoại.


Người dân bước trên một đường ngập nước vì động đất hồi tháng 3 tại thành phố
Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Ảnh: AP.

Ouzounov cho biết, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu liên quan tới hơn 100 trận động đất tại châu Á. Họ nhận thấy mật độ điện tử trong tầng điện ly và bức xạ hồng ngoại trong khí quyển luôn tăng trước những trận động đất có cường độ từ 5,5 độ Richter trở lên và tâm chấn nằm ở độ sâu nhỏ hơn 50 km.

Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng dự đoán động đất dựa vào dữ liệu từ không khí.

“Phát hiện của nhóm Ouzounov rất thú vị, nhưng tôi không thể gọi nó là một phát hiện mang tính đột phá”, Henry Pollack, một giáo sư địa vật lý của Đại học Michigan, bình luận.

Giáo sư địa lý Terry Tullis của Đại học Brown tại Mỹ, cho rằng giới khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về dự báo động đất và họ chưa bao giờ tỏ ra quá phấn khích trước mỗi phát hiện mới.

Tôi không muốn bác bỏ khả năng dự báo động đất dựa vào không khí, nhưng vào thời điểm hiện tại, mọi người nên giữ thái độ hoài nghi”, Tullis nói.

 

Theo Vnexpress