(Ảnh: dnaindia.com) |
Các nhà khoa học Nhật Bản hiện nay có thể đứng giữa tâm bão hoặc quan sát cận cảnh gió xoáy nhờ sự hỗ trợ của loại kính bảo hộ đặc biệt. Tất nhiên, công nghệ mới không thể cho phép con người trực diện với thiên tai mà chỉ là đối mặt môi trường 3 chiều giả lập các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần và lốc xoáy.
Đeo cặp kính cảm ứng, giáo sư Tetsuya Sato bước vào trong căn phòng nhỏ ở Yokohama gần Thủ đô Tokyo, tại đây máy tính chiếu dữ liệu về các dạng thiên tai bằng hình ảnh 3D khắp phòng. Khi chạm tay vào ảnh chiếu trận bão mạnh, họ có thể thấy hình ảnh những đám mây xoáy quanh mình.
Giáo sư Sato, chủ trì dự án thuộc Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hàng hải – Trái đất Nhật Bản, nói: “Cho đến nay, những mô hình giả lập Trái đất mới chỉ được dùng để tạo và lưu trữ dữ liệu số, chúng tôi không thể hiểu đầy đủ các hiện tượng bất thường của thiên nhiên nếu chỉ nhìn vào những con số đó. Máy tính xử lý dữ liệu và một hệ thống chuyển đổi dữ liệu đó để các giác quan con người có thể cảm nhận như thật”.
Ngoài các mô hình thiên tai, hệ thống cũng có thể giả lập quang cảnh sâu bên trong trục Trái đất, qua đó giúp các chuyên gia khí tượng nâng cao khả năng dự báo những biến đổi trong lòng đất.
N.MINH
Theo AFP, Báo Cần Thơ