Cơn ác mộng vi khuẩn thời kỷ Permi

Cơn ác mộng vi khuẩn thời kỷ Permi

Một dạng vi khuẩn nhỏ bé, chứ không phải tiểu hành tinh “sát thủ” hoặc những cơn cuồng nộ của núi lửa, là kẻ đã quét sạch hơn 90% giống loài trên Trái đất cách đây 251 triệu năm.

Theo một giả thuyết thịnh hành, sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Permi đã bị kích hoạt bởi những đợt phun trào núi lửa tại khu vực hiện nay là Siberia, dẫn đến tình trạng gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Cơn ác mộng vi khuẩn thời kỷ Permi
Quang cảnh chết chóc vào cuối kỷ Permi theo tưởng
tượng của giới khoa học – (Ảnh: Science Photo Library)

Tuy nhiên, theo chuyên gia Daniel Rothman của Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Mỹ), kịch bản này không phù hợp với những dữ liệu trên thực tế.

Từ kết quả phân tích mẫu trầm tích từ cuối kỷ Permi được thu thập tại Trung Quốc, tiến sĩ Rothman cho hay hàm lượng carbon gia tăng với tốc độ quá nhanh để có thể quy cho là hậu quả từ hoạt động địa chất. Ông cho rằng vi khuẩn mới có thể tạo ra lượng hợp chất carbon nhanh đến mức đó.

Khi nhóm của ông phân tích chuỗi gene của Methanosarcina, vi khuẩn chịu trách nhiệm cho hầu hết khí metan sinh học, họ phát hiện chúng đã có được khả năng này cách đây 231 triệu năm trước, theo báo cáo trên website New Scientist.

Methanosarcina cần một lượng lớn nickel để tạo ra metan nhanh chóng. Và các chuyên gia Mỹ đã tìm thấy hàm lượng nickel đó xuất hiện trong các mẫu trầm tích có niên đại tương tự, điều này cho thấy Methanosarcina đã kích hoạt sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên, theo giả thuyết mới của các nhà nghiên cứu tại MIT.

 

Theo Thanh Niên