Cơn bão có tốc độ phi thường đang hướng vào biển Đông

Cơn bão có tốc độ phi thường đang hướng vào biển Đông

Theo nhận định của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW, Higos (bão số 8)là cơn bão phi thường, có tốc độ di chuyển nhanh, hướng di chuyển còn thay đổi phức tạp. Tối 1/10, cơn bão này sẽ bắt đầu đi vào biển Đông.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW Bùi Minh Tăng cho biết, 16h ngày 1/10, tâm bão số 8 ở phía Nam đảo Luzong (Philippines) với sức gió gần tâm bão lên tới cấp 8 (62 – 74 km một giờ). Đêm 1/10, bão sẽ đi vào biển Đông, với vận tốc 20-25 km mỗi giờ.

16h ngày 3/10, bão số 8 có thể ở trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, sức gió lên tới 89-117 km một giờ (cấp 10-11). Chiều ngày 4/10, bão có thể cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120 km, sức gió cấp 11-12 (103-133 km một giờ)

Cơn bão có tốc độ phi thường đang hướng vào biển Đông

Phương án dự báo hướng đi của các đài khí tượng. (Ảnh: T.D)

Theo ông Tăng, do di chuyển tương đối nhanh nên không loại trừ khả năng bão Higos sẽ tiếp tục chuyển hướng và thay đổi cường độ. Nhiều khả năng, tàu thuyền ở Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa sẽ nằm trọn trong vùng tâm bão. Trường hợp bất lợi nhất là bão có thể chuyển hướng Tây.

Thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho thấy, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên hiện còn 16 tàu với 190 người đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và vùng giữa, bắc biển Đông. Ngoài ra, vẫn còn gần 1.400 tàu với gần 12.000 người đang hoạt động ở khu vực khác.

Trước sự nguy hiểm của bão số 8 cũng như tránh xảy ra thiệt hại nặng nề trong 2 cơn bão vừa qua, tại cuộc giao ban chiều 1/10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Cần chuẩn bị tinh thần là bão sẽ vào bờ. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão cần kiên quyết sơ tán dân, kể cả cưỡng chế”.

Còn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ngày 2/10, cần thông báo và khuyên ngư dân ở khu vực Hoàng Sa vào bờ hoặc Bộ Ngoại giao cần liên hệ với Trung Quốc để xin cho ngư dân lên đảo. “Nếu bão vào đất liền, dứt khoát gọi người dân lên bờ và hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền đúng cách”, ông Phát nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng thừa nhận, việc gọi ngư dân đưa tàu về đất liền là rất khó: “Tiền dầu đắt thế này, người dân chưa đánh bắt được gì mà gọi về đất liền thì khó lắm”.

Cơn bão có tốc độ phi thường đang hướng vào biển Đông

Bão số 7 tàn phá sau khi đổ bộ vào Quảng Bình. (Ảnh: Thanh Tùng)

Sau khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình với sức gió cấp 8-9, trưa 30/9, bão số 7 (Mek Khala) đã đi sang Lào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tổng thiệt hại sơ bộ do bão số 7 gây ra là khoảng 108 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các địa phương, đến chiều 1/10, bão số 7 đã làm 5 người thiệt mạng (Quảng Bình 3 người), 10 người mất tích (Quảng Bình 3, Thanh Hóa 4) và 13 người mất tích. Hơn 160 nhà bị sập, đổ và hơn 6.000 nhà bị ngập, tốc mái… Ngoài ra, còn có 43 tàu bị chìm, trôi, hư hỏng.

Trước thực trạng bão số 7 có sức tàn phá không mạnh nhưng lại khiến nhiều địa phương trở tay không kịp và gây thiệt hại tương đối lớn trên biển, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt câu hỏi: “Sáng nay, Thủ tướng có hỏi tôi tại sao bão không lớn mà chết người như thế này?”.

Chiều 1/10, trước thông tin Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW không cảnh báo sớm thời điểm bão số 7 đổ bộ khiến cơn bão vào đất liền sớm hơn dự báo 10 tiếng, Giám đốc Bùi Minh Tăng đã trao đổi với báo chí.

Ông Tăng cho biết, cơn bão này di chuyển với tốc độ rất nhanh. Theo đó, ngày 28/9 Trung tâm dự báo bão đổ bộ vào sáng 1/10, tốc độ 10-15 km mỗi giờ. Nhưng 15h ngày 29/9, tốc độ di chuyển của bão đột ngột tăng nhanh lên tới 20-25 km một giờ. Việc bão đột ngột tăng tốc độ là do nội lực của bão.

“Việc bão di chuyển nhanh hơn 10 km một giờ so với bản tin dự báo, chúng tôi chưa lường được. Nhưng sau khi bão di chuyển nhanh hơn, chúng tôi xác định được và đã có sự điều chỉnh trong các bản tin dự báo cập nhật”, ông Tăng nói.

 

Theo Tiến Dũng – Vnexpress