Con đực nhỏ dễ trở thành bữa ăn cho con cái

Nhện cái là những kẻ ăn thịt tham lam, chúng ăn rất nhiều con mồi trong đó đôi khi có cả bạn đời của chúng. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích tại sao nhện cái lại ăn thịt nhện đực trước hoặc sau khi giao phối. Trong một nghiên cứ được công bố trên số ra tháng 9 tờ American Naturalist, nhà nghiên cứu Shawn Wilder và Ann Rypstra thuộc Đại học Miami tại Ohio đã phát hiện ra rằng câu trả lời có lẽ còn đơn giản hơn những gì mọi người vẫn nghĩ.

Con đực thường có xu hướng bị ăn thịt hơn khi chúng nhỏ hơn nhiều so với con cái. Kích cỡ nhỏ bé của con đực đồng nghĩa với việc chúng bị bắt dễ dàng. Loài nhện Hogna helluo, con đực lớn không bao giờ bị ăn thịt trong khi con đực nhỏ bị chén tới 80% số lần giao phối. Wilder và Rypstra đã khẳng định kết quả sau khi kiểm tra dữ liệu từ rất nhiều loài nhện. Ở những loài con đực tương đối nhỏ so với con cái thì chúng có xu hướng bị ăn nhiều hơn.

Nhiều nghiên cứu về tập tính ăn thịt bạn tình tập trung vào một số ít các trường hợp cá biệt mà trong đó tập tính này cân nhắc cả vấn đề chọn lọc giới tính và cạnh tranh tinh trùng. Tuy nhiên, khi xem xét thông tin từ rất nhiều loài nhện, Wilder cùng với Rypstra phát hiện ra rằng việc kích cỡ của con đực tương đương với con cái (thường được coi là lưỡng hình kích cỡ giới tính) quyết định mức độ thường xuyên xảy ra tập tính ăn thịt bạn tình ở một loài. 

Con nhện sói cái Hogna helluo đang chén thịt con đực. (Ảnh: Shaw M. Wilder)

Shawn Wilder nhận định: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện thấy chỉ một đặc tính đơn giản như mức độ tương đương về kích cỡ của con đực với con cái lại có ảnh hưởng lớn đến thế đối với tính thường xuyên của tập tính ăn thịt bạn tình”. Trong rất nhiều trường hợp, tập tính ăn thịt bạn tình không phải là hoạt động cân bằng phức tạp giữa lợi ích và hao phí đối với con đực và con cái nhưng sự thực là vì con cái đang đói nên nó ăn con đực khi mà con đực có kích cỡ đủ nhỏ để con cái có thể bắt được.

Tiến hóa không thay đổi mối quan hệ này. Ví dụ, con cái không trở lên to lớn hơn để ăn thịt nhiều con đực hơn vì lúc đó con đực sẽ trở thành bữa ăn quá nhỏ, không đủ cho con cái to lớn. Con đực cũng không phát triển nhỏ hơn để bị ăn nhiều hơn do lúc đó chúng sẽ không có cơ hội để giao phối nhiều lần. Bên cạnh đó, tập tính ăn thịt bạn tình có lẽ là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa của con cái lớn và con đực nhỏ trong một loài ăn thịt.

Tham khảo:
Shawn M. Wilder và Ann L. Rypstra, “Sexual size dimorphism predicts the frequency of sexual cannibalism within and among species of spiders” American Naturalist (2008) 172: 431

 

Theo Trà Mi (PhysOrg)