Những loại khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra trong mấy thập kỷ qua làm tăng nhiệt độ nước biển, nhân tố trực tiếp làm tăng cường độ các cơn bão. Hàng loạt nghiên cứu gần đây cho thấy như vậy.
(Ảnh: flickr.com) |
Vào tháng 6 năm nay, Kevin Trenberth, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia (Mỹ), đã công bố kết quả phân tích những trận bão ở phía bắc Đại Tây Dương trong năm 2005. Theo đó, nhiệt độ bề mặt đại dương tăng 0,9 độ C so với mức trung bình trong nhiều năm trước đó. Sau khi so sánh nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương với các đại dương khác, Trenberth nhận định rằng một nửa số lần tăng nhiệt độ bề mặt ở Đại Tây Dương là do những khí thải của con người gây ra.
Tháng 7 năm ngoái, tiến sĩ Kerry Emanuel tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ đã công bố một báo cáo. Theo đó, thời gian, tốc độ gió tối đa và năng lượng của những cơn bão nhiệt đới đã tăng đáng kể ở cả phía bắc Đại Tây Dương và phía bắc Thái Bình Dương từ giữa những năm 70 tới nay.
Vài tháng sau, Peter Webster tại Học viên Công nghệ Georgia công bố một nghiên cứu khác. Theo báo cáo của ông, kể từ năm 1975 tới 1989 đã xuất hiện 171 cơn bão cực mạnh (loại 4 và 5). Nhưng trong 15 năm sau đó, con số này đã tăng lên 269.
“Hiện tượng tăng nhiệt độ ở bề mặt các đại dương, một trong những hệ quả của hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân khiến cho cường độ bão liên tục tăng”, Webster phát biểu.
Trong nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học tại Trung tâm thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ) đã sử dụng 22 mô hình về khí hậu – được lập ra trên máy tính – để xem xét mối liên hệ giữa hiện tượng tăng nhiệt độ bề mặt đại dương và những khí gây hiệu ứng nhà kính do còn người thải ra.
“Hoạt động của con người là nguyên nhân của ít nhất 67% trường hợp tăng nhiệt độ bề mặt ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, nơi các cơn bão hình thành“, tiến sĩ Benjamin Santer, trưởng nhóm nghiên cứu, kết luận.
Việt Linh
Theo BBC, Vnexpress