Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra cách tạo ra sét hòn trong phòng thí nghiệm. Sét hòn là một hiện tượng điện trong khí quyển chưa được giải thích.
>>> Dấu hiệu nhận biết người sắp bị… sét đánh
Tiến sĩ Mike Lindsay, người đứng đầu nghiên cứu về hình thức hiếm nhất của tia sét là “sét hòn”, cho biết sét hòn như một quả bóng phát ra ánh sáng có thể trôi nổi trên bầu trời một cách kỳ lạ, và sau đó phát nổ dữ dội. Sét hòn đôi khi làm con người bị thương, gây thiệt hại cho các tòa nhà. Nó có kích thước từ một hạt đậu đến một quả cầu đường kính vài mét, ánh sáng rực rỡ kéo dài lên đến 10 giây.
“Vì xác suất sét hòn chỉ tạo ra một lần trong hàng triệu tia sét, nên từ trước đến giờ sét hòn chưa bao giờ được nghiên cứu bởi các công cụ khoa học”, Mike Lindsay nói. Lindsay và các đồng nghiệp đã nghiên cứu cách tạo ra sét hòn trong phòng thí nghiệm. Kết quả được công bố trên tạp chí Physical Chemistry.
Minh họa hình ảnh sét hòn. (Ảnh: Alex Tomlinson)
BBC cho biết, theo một số báo cáo trước đây, nhà vật lý nổi tiếng Nikola Tesla có thể làm ra sét hòn trong phòng thí nghiệm của ông tại Colorado từ năm 1900, nhưng ông không mô tả phương pháp và không cho phép bất kỳ ai sao chép lại.
Trong bài báo, tiến sĩ Lindsay và các đồng nghiệp đã mô tả nghiên cứu trước đó tạo ra “quá trình phóng điện phát sáng plasma” dưới dạng một đám khí tích điện trên một dung dịch điện ly.
Các thí nghiệm mới vẫn sử dụng phương pháp trước đó, nhưng có thêm các điều kiện để giữ được “quả bóng phát sáng” kéo dài càng lâu càng tốt.
Tiến sĩ Lindsay giải thích: “Tôi không nghĩ rằng những gì chúng tôi tạo ra là sét, mặc dù giai đoạn đầu của sự phóng điện này tạo ra plasmoid (một cấu trúc chặt chẽ giữa plasma và từ trường) có nhiều điểm tương đồng với sét”.
“Trong trường hợp này chúng chỉ là một cung tròn điện tích trên bề mặt của dung dịch điện ly”, Lindsay nói.
Nhóm khoa học sử dụng máy ảnh tốc độ cao để theo dõi quá trình này và phát hiện ra sự thay đổi nồng độ axit trong dung dịch điện ly dẫn đến quả bóng tồn tại lâu hơn. Họ dựa vào bức xạ hồng ngoại phát ra từ quả bóng để xem xét mật độ và cấu trúc của nó thay đổi theo thời gian. Kết quả, hơi nước và carbon dioxide hiện diện bên trong quả bóng cùng với một số chất khác chưa xác định được.
Tiến sỹ Lindsay cho biết thêm: “Chúng tôi không chắc chắn đây là hiện tượng sét hòn nhưng nó có nhiều điểm tương đồng với sét hòn. Chúng tôi đang mua thêm những trang thiết bị cần thiết để làm thí nghiệm, cung cấp một kết quả và câu trả lời thuyết phục hơn”.
Theo VNE