Các siêu đô thị tiếp tục mọc lên, thậm chí ở Nam Cực, để đáp ứng không gian sống cho con người nhưng lại gây đe dọa tới những khu rừng nguyên sinh trên Trái Đất.
Trong tương lai, con người còn đủ không gian sống?
Con người in dấu chân ở mọi nơi, kể cả sa mạc. (Ảnh: Thinkstock).
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (UN) vào tháng 7, dân số thế giới sẽ tăng từ con số 7,3 tỷ lên 8,4 tỷ vào năm 2030; 9,7 tỷ vào năm 2050 và đến năm 2100 con số này sẽ đạt tới mức 11,2 tỷ.
Đường phố chật cứng người ở Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Randy Olson).
Điều này làm dấy lên câu hỏi: Liệu chúng ta có chiếm hết tất cả không gian sống còn lại?
Để trả lời cho những câu hỏi này cần tìm hiểu xem con người sẽ sống ở đâu trong tương lai và cuộc sống khi đó sẽ như thế nào.
Các chuyên gia dự đoán rằng, lượng người sống ở các thành phố có xu hướng tăng lên. Khi nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nhiều người bỏ công việc ở lĩnh vực vất vả và đang ngày càng thu hẹp này để chuyển sang công việc sản xuất hoặc dịch vụ đô thị. Quá trình đô thị hoá đã và đang diễn ra trong vài thập kỉ gần đây. Năm 1930, chỉ 30% dân số thế giới sống ở các thành phố, tới nay là 55%. Đến năm 2050, khoảng hai phần ba dân số sẽ tập trung ở các khu vực thành thị.
Tàu ngầm London vận chuyển 1,2 tỷ người mỗi năm. (Ảnh: Alamy).
“Hầu như tất cả lượng người tăng từ bây giờ cho đến cuối thế kỷ sẽ tập trung ở các thành phố”, Joel Cohen, Trưởng phòng thí nghiệm về quần thể (Laboratory of populations) tại đại học Rockefeller và đại học Columbia, Mỹ, tác giả cuốn sách “Trái Đất có thể chứa bao nhiêu người”, nói.
“Từ nay đến năm 2100, cứ 5-6 ngày dân số thế giới lại tăng lên một triệu người”.
Khoảng một nửa dân số sẽ sống ở những thành phố nhỏ có quy mô từ nửa triệu tới 3 triệu dân. Số còn lại sẽ sống ở các siêu đô thị chứa ít nhất 10 triệu dân thuộc các nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria. Trong tương lai, cả các thành phố và vùng đều mở rộng về địa lý và gia tăng mật độ dân.
Đường phố đông đúc và bận rộn ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Thinkstock).
“Con người có thể sống ở mật độ dân số cao hơn”, John Wilmoth, Giám đốc cơ quan dân số của Liên Hợp Quốc cho biết. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào hiệu quả quản lý.
Manhanttan – nơi có mật độ dân dày nhất New York, có điều kiện tốt về cơ sở vật chất, giáo dục, văn hoá, cơ hội việc làm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhưng Lagos thuộc Nigeria, Dhaka và Mumbai lại gặp nhiều khó khăn.
Cohen cho biết, ở những thành phố này “người dân mua nước từ người bán rong với giá cao, rác thải ở khắp nơi không được xử lý”. Nhiều chính phủ và các tổ chức không đủ khả năng để quản lý các tiện nghi cơ bản như nước ngọt, vệ sinh môi trường và xử lý chất thải. Đáng lo ngại hơn, những nơi thiếu kế hoạch quản lý hiệu quả là những nơi có dân số phát triển mạnh như châu Phi.
New York có mật độ dân dày, nhưng quản lý hiệu quả. (Ảnh: Flickr).
Ở các nước phát triển, mức sống cơ bản cũng không thể giữ vững tốc độ tăng trưởng như những năm gần đây. Theo John Bongaarts, phó chủ tịch Hội đồng Dân số, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố New York, việc giảm đói nghèo sẽ khó khăn hơn trong tương lai do ba nguyên nhân: Thứ nhất, các nước giàu có đang bị già hoá, vì vậy tốc độ tăng trưởng và đổi mới sẽ bị chậm lại. Thứ hai, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Thứ ba, bất bình đẳng đang dần trở thành vấn đề lớn.
Những đô thị sáng đèn trên Trái Đất nhìn từ không gian. (Ảnh: Cơ quan năng lượng châu Âu).
Những vấn đề này có thể được giảm bớt nếu có kế hoạch phù hợp, nhưng bên cạnh một số quốc gia và thành phố tiến bộ, số còn lại không có dấu hiệu của những phướng án tối ưu.
Tuy dân số tương lai sẽ tập trung vào khu đô thị, nhưng các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng chứng kiến sự gia tăng nơi cư trú.
“Với sự kết hợp của thay đổi khí hậu và công nghệ, không thể không nghĩ tới việc Nam Cực sẽ được biến thành nơi ở, dù khó có thể tưởng tượng rằng nơi này cũng trở nên đông nghịt”, Adrian Raftery, giáo sư xác suất và xã hội học tại đại học Washington, nói.
Trong tương lai sẽ có nhiều thành phố lớn hơn. (Ảnh: Klaus Herrmann).
Tuy nhiên, không điều nào trong số những thứ kể trên có nghĩa rằng chúng ra sẽ hết nơi ở. Khoảng một nửa đất trên thế giới chỉ có 2% dân số sinh sống, trong khi chỉ 3% tổng số diện tích đất là đủ cho hơn nửa loài người. Nhưng tăng dân số có nghĩa là những địa điểm tương đối nguyên sơ để tham quan giảm đi, do nhu cầu tài nguyên ngày càng tăng để hỗ trợ cuộc sống đô thị.
“Theo tôi, không cần lo việc các rừng mưa sẽ bị thế chỗ bởi đô thị”, Karen Seto, giáo như địa lý và đô thị hoá tại đại học Yale nói. “Mối đe doạ lớn hơn là những tác động gián tiếp của đô thị hoá lên những cảnh quan đó”.
Thành thị cần rừng để có gỗ xây nhà, làm nội thất, để có đất nông nghiệp, có không gian để chứa hàng tấn rác thải sinh hoạt và nhiều thứ khác. Cuối cùng, dân số sẽ giảm, Wilmoth cho biết, nhưng trong tương lai gần, chúng ta đang đối mặt với tình trạng Trái Đất chật hẹp dần.
Theo VnExpress