Trong tương lai, robot cũng sẽ có thể tác động lên cảm xúc của chúng ta và ngược lại, con người đôi khi cũng phải cố gắng giả tạo cảm xúc để tránh làm cho robot buôn giống như cách bạn nói dối với bạn gái để họ không buồn vậy. Tại sao lại có dự đoán có phần ngớ ngẩn này? Nguyên nhân bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học London và Bristol đã phát hiện rằng robot ngay khi gây ra lỗi lầm sẽ xin lỗi con người, còn chúng ta lại có xu hướng nói dối để robot không nhận ra sai lằm nhằm tránh ảnh hưởng tới cảm xúc của nó.
Đây là một nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác động của sự biểu cảm và khả năng giao tiếp của robot đối với hành vi con người. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã bổ sung môi, mắt và chân mày vào khuôn mặt của robot mang tên BERT2 để nó “biểu cảm” nhất có thể. Sau đó, nhóm nghiên cứu đến từ 2 trường đại học nói trên kêu gọi các tình nguyện viên và yêu cầu họ giao tiếp trong tình huống giả định đang nấu ăn với 3 phiên bản của BERT2 tương ứng với các ngoại hình và trạng thái biểu cảm khác nhau
Chúng ta có xu hướng nói dối để robot không nhận ra sai lằm nhằm tránh ảnh hưởng tới cảm xúc của nó.
Trong số 3 con robot thử nghiệm, 1 BERT2 chỉ im lặng và làm việc mà không mắc lỗi, 1 BERT2 bị tắt tiếng và được lập trình để tạo ra 1 lỗi lầm ngớ ngẩn và 1 BERT2 có thể nói chuyện, biết phản ứng các câu yes no của người dùng. Trong tình huống giả định tại nhà bếp, con robot duy nhất có khả năng nói chuyện sẽ xin lỗi khi chúng làm sai điều gì đó, thí dụ như làm rơi quả trứng, đồng thời có thể báo trước một điều gì đó mà chúng sắp sửa làm.
Và kết quả phản hồi từ phía các tình nguyện viên cho thấy họ thích con robot biết nói chuyện hơn. Nhưng điều thú vị nhất chính là vào cuối thử nghiệm, robot hỏi người dùng rằng có muốn nó thực hiện một công việc nào đó không. Một số người tỏ ra rất miễn cưỡng khi trả lời rằng họ không muốn bởi sợ sẽ làm con robot buồn mặc dù trước đó, họ tỏ vẻ thích những con robot im lặng nhưng làm việc hiệu quả. Một tình nguyện viên cho biết: “Tôi cảm thấy thích hợp để nói không nhưng tôi thật sự cảm thấy mình rất tệ khi nói thế. Khi gương mặt của robot thật sự buồn khi nghe tôi nói không, tôi thậm chí còn buồn hơn. Tôi cảm thấy mình tệ bởi robot đã cố gắng hết sức làm công việc của nó”.
Một nhóm tình nguyện viên khác thì ban đầu họ nói với robot rằng “có thể”, tuy nhiên do nó chỉ chấp nhận 2 câu trả lời yes hoặc no nên cuối cùng họ chuyển thành yes. Sau khi kết thúc buổi thử nghiệm, họ khẳng định rằng mặc dù vẫn thích những con robot im lặng và làm được việc, nhưng họ vẫn đưa ra câu trả lời yes vì sợ con robot “nói nhiều” sẽ buồn.
Thực ra trước đây thì người ta đã tìm thấy một số bằng chứng về sự thông cảm của con người đối với robot. Và nghiên cứu lần này đã chỉ rõ mối liên kết đó còn sâu sắc và phức tạp hơn nữa. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho rằng điều đó còn tùy thuộc vào khả năng biểu cảm của robot và cách con người thay đổi nhận thức vì nó. Tất nhiên, sẽ còn nhiều nghiên cứu khác phải được tiến hành nhằm hiểu rõ hơn về tương tác giữa con người và robot trước khi chúng ta chung sống với nó trong tương lai không xa.