Con người và máy móc sẽ hợp nhất?

Con người và máy móc sẽ hợp nhất?

Lần đầu tiên, một hội nghị bàn về các nguy cơ thảm họa toàn cầu được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Hội nghị khai mạc hôm 17-7, tại Đại học Oxford (Anh).

Vào ngày cuối cùng của Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung bàn về những hiểm họa tiềm ẩn từ các công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ robot…, mà nếu bị lợi dụng vì những mục đích không trong sáng, có thể gây hậu quả khôn lường cho nhân loại.

“Bất kỳ một thực thể nào thông minh hơn con người cũng sẽ rất mạnh bạo. Nếu chúng ta xử lý sai có thể dẫn tới những hậu quả đe dọa sự tồn vong của loài người”, Tiến sĩ Nick Bostrom, giám đốc Viện Tương lai Nhân loại thuộc ĐH Oxford, đơn vị tổ chức hội nghị, nhận định. Theo Bostrom, nhận loại sẽ bước vào một kỷ nguyên, mà ở đó công nghệ sinh học, công nghệ nano phân tử, trí thông minh nhân tạo và những công cụ nhận thức thế hệ mới sẽ được ứng dụng để khuếch đại năng lực trí tuệ, thể chất và thậm chí cảm xúc của con người. Khi đó sẽ xuất hiện một dạng cuộc sống “hậu con người” với các cá thể sở hữu những kỹ năng, phẩm chất vượt trội đến mức không thể gọi là con người.

Con người và máy móc sẽ hợp nhất?

Liệu con người sẽ hợp nhất với máy móc vào cuối thế kỷ 21 này. (Ảnh: CNN)

“Chúng ta sắp bắt đầu ứng dụng khoa học và công nghệ không chỉ để kiểm soát thế giới xung quanh mình mà còn để kiểm soát hoạt động sinh học của chính cơ thể chúng ta”, Bostrom dự báo. “Những đổi thay sẽ diễn ra nhanh và sâu sắc hơn so với những gì mà quá trình tiến hóa đã mang lại trong hàng nghìn năm qua”. Tuy không dự đoán thời gian diễn ra cuộc cách mạng công nghệ sinh học như vậy nhưng Bostrom cho rằng nó có thể mất 8 hoặc 200 năm mới kết thúc. Các chuyên gia khác thì cho rằng thời kỳ chuyển đổi căn bản đó sẽ diễn ra chóng vánh hơn, có thể trong 2 thập niên.

“Mọi sự sẽ xảy ra nhanh hơn chúng ta hình dung”, nhà tương lai học nổi tiếng Ray Kurzwei nói. Vào thập niên 1980, Kurzwei từng dự đoán đầu thế kỷ 21, thế giới sẽ phát minh một thiết bị cầm tay cho phép người mù đọc văn bản mọi lúc mọi nơi. Một thiết bị như vậy đã xuất hiện vào đầu năm nay. Ông cũng từng dự báo Internet sẽ phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990. Và nay, Kurzwei dự đoán sự xuất hiện của cái mà ông gọi là “kết quả của sự hợp nhất giữa thể chất và tư duy về mặt sinh học của con người với công nghệ, dẫn tới một thế giới vẫn thuộc về con người nhưng với những cá thể vượt trội về mặt sinh học”, gọi tắt là Singularity (công nghệ phi thường). Theo dự đoán của ông, đến thập niên 2030, con người sẽ trở nên phi sinh học hơn, có khả năng tải trí tuệ của mình lên Internet, sống trong nhiều thế giới ảo và thậm chí thoát khỏi qui luật sinh – lão – bệnh –tử. Đến thập kỷ kế tiếp (2040), trí tuệ nhân tạo sẽ ưu việt hàng tỉ lần so với trí thông minh con người.

Con người và máy móc sẽ hợp nhất?

Nhà tương lai học Ray Kurzwei. (Ảnh: DailyTech)

Trào lưu hướng tới sự hợp nhất giữa con người và máy móc, theo Kurzwei, đã xuất hiện và dễ nhận thấy nhất là ở lĩnh vực công nghệ sinh học. Khi am hiểu sâu hơn về các quá trình di truyền chi phối sự sống, các nhà khoa học có khả năng tái lập hoạt động sinh học của cơ thể người thông qua dược phẩm có chức năng kiểm soát các enzyme, các liệu pháp gien mới, kỹ thuật can thiệp ARN hoặc vô hiệu hóa gien. Cuộc cách mạng công nghệ sinh học sẽ “khai sinh” ít nhất một nghìn loại thuốc mới, có thể trị liệu bá bệnh, từ làm chậm quá trình lão hóa cho đến đẩy lùi các căn bệnh nan y như bệnh tim và ung thư, Tiến sĩ Kurzwei dự đoán.

Đến năm 2020, theo Kurzwei, nhân loại sẽ trải qua cuộc cách mạng thứ 2 trong lĩnh vực công nghệ nano. Các nhà khoa học đã bắt đầu thử nghiệm robot nano thế hệ đầu tiên có thể chữa trị bệnh tiểu đường và chữa lành chấn thương cột sống ở chuột. Hiện có một nhà nghiên cứu đang phát triển robot tế bào hồng cầu, mà nếu được tiêm vào mạch máu, sẽ cho phép con người chạy nước rút trong vòng 15 phút mà không cần thở hoặc ngồi dưới đáy hồ bơi hàng giờ. Nhiều khoa học gia khác đang chế tạo các phân tử nano có thể định vị và triệt tiêu khối u ung thư.

Cuộc cách mạng cuối cùng đưa đến sự ra đời của “công nghệ phi thường” sẽ tạo ra trí thông minh nhân tạo hoặc siêu trí tuệ, mà theo Kurzwei, có khả năng hóa giải nhiều vấn nạn mà con người đang đối mặt như môi trường sống suy thoái, nghèo đói và bệnh tật. Kurzwei cho rằng sự ra đời của nhiều công nghệ cực kỳ tối tân và khả năng sáp nhập những công nghệ mới này với con người sẽ là “con dao hai lưỡi” đối với tương lai của nhân loại.

 

Theo ĐÔNG NGUYÊN – Báo điện tử Cần Thơ