Con vào trường “đinh” chắc gì đã học “đỉnh”

0
114

“Cuộc đua” trường lớp cho con là câu chuyện đã rất cũ nhưng chưa bao giờ hết “nóng”. Và có 1 sự thật là trong bất cứ câu chuyện nào của các bà mẹ, quanh đi quẩn lại vẫn là những câu hỏi chuyện học hành, chuyện trường lớp của con. Người khen chê, kẻ than phiền, có mẹ thì tự hào đến mức khiến mẹ khác phát ghen tị vì một ngôi trường “đỉnh” nào đó mà con đang theo học,… Rồi cũng vì tâm lý muốn mọi thứ tốt nhất cho con, muốn con được học hành giỏi giang, tấn tới,… nên rất nhiều phụ huynh phải thức đêm thức hôm, chen lấn chỉ để mua được bộ hồ sơ cho con.

Nhớ năm 2012, các bậc phụ huynh ở Hà Nội đã thức từ hai giờ sáng kê gạch để xếp hàng mua hồ sơ xin cho con vào một ngôi trường mà trước đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu từng theo học. Cảnh chen lấn, xô đẩy đạp đổ cả cổng trường tạo nên một cảnh hỗn loạn khủng khiếp và… đầy ái ngại!

Nhiều người chứng kiến câu chuyện đó tặc lưỡi: “Cũng vì chữ hiếu học, mong con nên người”. Nhưng cá nhân tôi vẫn không thôi ám ảnh vì sự kiện “lạ đời” ấy. Tôi thấy “lạ” ở chỗ, vì sao các phụ huynh lại nghĩ cứ phải cho con vào trường công, trường đỉnh thì con mình mới giỏi mới tài? Trong khi, một khảo sát thực tế về giáo dục ở Việt Nam đó là: Hơn 80% học sinh có lực học tốt, thi đỗ vào các trường Đại học “đỉnh” của Việt Nam đều là học sinh đến từ nông thôn, tỉnh lẻ. Những học sinh đó đều học ở những trường rất bình thường, cơ sở vật chất điều kiện học tập đều không thể bằng các trường công lập ở thành thị. Thậm chí, nếu các mẹ xem những thông tin về các thủ khoa đại học sẽ thấy, phần lớn là những học sinh có xuất phát điểm rất thấp: Ở nông thôn, học trường làng, con nhà nghèo, nhưng thành tích học tập rất đáng để nể phục.

Cảnh phụ huynh xếp hàng để mua hồ sơ cho con vào một ngôi trường ở Hà Nội.

Tôi nói như vậy không có nghĩa là học sinh thành thị thì học tập không tốt, mà vấn đề ở đây là các con vẫn có thể học tốt, có định hướng tốt ngay cả khi con học ở trường bình thường. Đâu phải cứ ở trường “đinh” thì con sẽ học “đỉnh” đâu.

Mỗi đứa trẻ đều sở hữu một cá tính, một năng lực khác nhau. Có bé có năng khiếu về nghệ thuật, có bé ham đọc sách, có bé thích thể thao, có bé thích làm phép tính, có những bé vẫn chưa bộc lộ khả năng đặc biệt gì… Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận ra năng khiếu, hoặc đơn giản là sở thích của con để định hướng và chọn cho con mình một phương pháp học tập phù hợp, từ đó chọn cho con một ngôi trường phù hợp với năng lực và sở thích của bé, ngay từ khi bé mới vào lớp 1. Cho con đi học, cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi, ngoan ngoãn để bản thân được tự hào về con, điều đó không có gì là sai trái.

Nhưng hãy suy xét kĩ đến năng lực của bé: Bé thích gì? Bé có khả năng phát triển về lĩnh vực gì? Bé ghét gì? Có những bé bộc lộ khả năng nghệ thuật từ nhỏ như thích ca múa hát hoặc nhạc họa, nhưng phụ huynh lại cứ muốn hướng con theo một “chuẩn” của riêng mình là phải học giỏi các môn tự nhiên để trở thành kĩ sư, bác sĩ… Thế là “ép” con vào khuôn khổ và “nhồi” bằng cách thuê gia sư, bắt con tự học, dạy con học… và cứ nghĩ như thế là “tốt” cho con. Việc một đứa trẻ bị “ép” học và “tẩy não” về tư tưởng: “Con phải học để trở thành ông này bà nọ, không học thì chỉ có đi làm ô-sin thôi…” luôn làm cho đứa trẻ cảm thấy sợ hãi trước viễn cảnh tương lai xấu xí bị “buộc phải học” chứ không phải vì nó thích. Dần dần, đứa trẻ sẽ có tư tưởng “học cho bố mẹ” chứ không phải học vì bản thân cần thấy mình phải học.

Theo số liệu thống kê từ một tổ chức giáo dục làm Test về định hướng tương lai, hơn 80% học sinh phổ thông trung học không rõ định hướng cho tương lai, không biết chọn ngành nghề phù hợp với bản thân… Điều đó cho ta thấy điều gì? Những định hướng sai lầm sẽ mang tới những hậu quả sai lầm liên tiếp.

Vậy, phụ huynh cần phải làm gì để có định hướng đúng chuẩn cho con cái, ngay từ khi bé bắt đầu vào lớp 1?

Hãy bắt đầu ngay từ việc chọn trường cho con, học trường nào không quan trọng bằng con bạn học thế nào? Bạn muốn con bạn học theo kiểu thế nào? Rèn luyện thể chất kết hợp với học cơ bản và tham gia các hoạt động ngoại khóa? Hay phải vào trường công thuộc top này nọ để con bạn có sức chạy đua với các “deadline” ngay từ khi vào lớp một? Thành tích hay khả năng thực sự của bé?

Mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời đều mang những kì vọng của cha mẹ, ai cũng muốn con mình chăm ngoan học giỏi thành tài, ai cũng muốn con mình sẽ là thần đồng Đỗ Nhật Nam để được nở mặt nở mày với cuộc đời, nhưng trên hết, phải nhìn thấy sự phát triển thực sự của bé để có định hướng đúng đắn cho việc nuôi dạy, để bé có sự phát triển tốt nhất! Trước khi chọn trường cho con, bạn cần trả lời câu hỏi này: “Bạn quyết định cho con đi học vì lý do gì?”.

Nếu câu trả lời là “Vì muốn cho con độc lập, trưởng thành trong tư duy, vì vòng tay của cha mẹ không bao giờ đủ cho tất cả những gì con cần để sống cuộc đời của chúng” thì có nghĩa là bạn đã biết con mình cần học điều gì và học ở đâu.

Diệp Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.