Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đang thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực hợp tác quốc tế xây dựng hệ dữ liệu mới về quá trình tích tụ cácbon điôxít (CO2) ở biển và đại dương trên toàn cầu.
Phóng viên tại Liên hợp quốc cho biết hệ dữ liệu mới này được nhóm hơn 100 nhà khoa học trên khắp thế giới phối hợp thực hiện trong Dự án Phối hợp cácbon trên các đại dương quốc tế (IOCCP).
Ngày 19/3, trên tạp chí EOS của Liên đoàn địa lý Mỹ (AGU), nhóm các nhà khoa học quốc tế này đã công bố các dữ liệu toàn diện nhất các số đo CO2 trên các biển và đại dương thế giới trong 40 năm qua.
Tập bản đồ CO2 trên bề mặt đại dương này (SOCAT) được tổng hợp từ 6,3 triệu quan sát toàn cầu từ các tàu nghiên cứu trên các đại dương, tàu thương mại và các trạm cố định trên thế giới từ năm 1968.
Các dữ liệu được tiếp cận tự do cho các nhà khoa học này ghi nhận những thay đổi về CO2 trên bề mặt các biển và đại dương toàn cầu theo những biến đổi không ngừng tăng lên của lượng khí gây hiệu ứng nhà kính được thải vào khí quyển.
Các nhà khoa học quốc tế khẳng định các đại dương hấp thu CO2 có lợi cho con người vì làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này trong khí quyển nhưng đã làm axít hóa, gây nguy hiểm cho các sinh vật sống trong biển và đại dương.
Những tri thức về thay đổi hàng năm và hàng thập kỷ lượng CO2 trong các đại dương đóng vai trò thiết yếu để đánh giá những phản hồi và tương tác giữa biến đổi khí hậu và chu kỳ cácbon trong các đại dương. SOCAT trở thành nguồn tri thức vô giá cho các nhà khoa học hải dương nghiên cứu chu kỳ CO2 ở các đại dương cũng như tác động của nó đến nhiệt độ toàn cầu.
Theo Vietnam+