Các nhà khoa học của trường Đại học Bologna và Trieste vừa công bố những phát hiện mới nhất có liên quan đến vụ nổ bí ẩn ở vùng Tunguska, thuộc Siberi của Nga, từ cách đây gần một thế kỷ.
Ngày 30/06/1908, một nụ nổ có sức công phá bằng hàng nghìn quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) đã xảy ra ở vùng Tunguska, quét sạch 60 triệu cây thông trong vòng 2150 km2. Tiếng nổ thậm chí có thể nghe thấy từ cách đó 1 nghìn kilomet. Rất nhiều giả thiết đã được đưa ra, trong đó ý kiến dễ chấp nhận nhất là một thiên thạch có đường kính từ 5 đến 10 km đã va chạm với Trái Đất. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy bất cứ một dấu vết nào của thiên thạch ấy.
99 năm sau vụ nổ, các nhà nghiên cứu người Italia đã tìm thấy những dấu hiệu để khẳng định rằng, đúng là có một thiên thạch đã rơi xuống Trái Đất. Các nghiên cứu tại hồ Cheko có đường kính 500 mét ở cách tâm của vụ nổ 8 km, đã cho thấy hồ này có thể được tạo ra bởi một mảnh thiên thạch có đường kính từ 50 đến 80 mét rơi xuống Trái Đất sau khi một thiên thạch lớn, hoặc một đuôi sao chổi nổ trên bầu khí quyển, ở độ cao từ 5 đến 10 km trên bầu trời Tunguska.