Đây là một công cụ trực tuyến dựa trên mạng nơ ron thần kinh nhân tạo do nhóm nghiên cứu tại MIT phát triển với khả năng xác định chính xác thành phần nào của bức ảnh là dễ nhớ hoặc khó nhớ đối với người xem. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu về hoạt động của trí nhớ con người nhưng họ cũng “rộng rãi” phát hành công cụ này cho chúng ta xài thử.
Trí nhớ là một món quà kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người mà nếu không có, chúng ta sẽ không thể học tập, không thể rút kinh nghiệm những sai lầm, không thể nhận diện bạn bè và đi lại khắp nơi trên thế giới này. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được điều gì khiến cho một vấn đề cụ thể trở nên dễ nhớ hoặc dễ quên và để làm tìm hiểu điều này, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển nên một thuật toán quét hình ảnh.
Sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu mang tính phổ quát, nhóm nghiên cứu đã tạo nên một mạng nơ ron xoắn (CNN) với khả năng dự đoán chính xác “mức độ ghi nhớ” của một bức ảnh. Về cơ bản, CNN là một mạng nơ ron nhân tạo được thiết kế mô phỏng sự sắp xếp của các tế bào thân kinh trong vỏ não phụ trách cơ quan thị giác, xử lý thông tin hình ảnh. Các mạng lưới này có thể tự học tập sâu (deep learning), xử lý một lượng lớn dữ liệu nhằm xác định các mô hình ẩn chứa trong đó. Nói cách khác, chúng có thể tự tìm hiểu thông tin mà không đòi hỏi lập trình trước.