Công nghệ 3D hỗ trợ đọc nội dung cuộn giấy chép Kinh Thánh đã cháy thành than

0
109

Bằng những kỹ thuật lập bản đồ kỹ thuật số trong không gian 3 chiều, các nhà khoa học đã có thể đọc được nội dung bên trong En-Gedi – một bản ghi chép thuộc Sách Lêvi trong Kinh Thánh với niên đại gần 2000 năm mà không cần phải tháo cuộn giấy ra, giúp bảo toàn món cổ vật vô giá vốn đã cháy thành than không bị phá hủy. Đây không chỉ là một nghiên cứu đầy ý nghĩa về mặt tôn giáo mà cách làm này còn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác, thí dụ như pháp y,…

En-Gedicuộn giấy cổ xưa nhất từng được phát hiện thuộc Kinh Thánh Do Thái. En-Gedi được tìm thấy vào những năm 1940 và niên đại được xác định là hơn 2000 năm. Dữ liệu phân tích cổ tự học cho thấy cuộn giấy En-Gedi được viết vào khoảng nửa sau thế kỷ 1 hoặc vào đầu thế kỷ 2. Trong khi đó, kết quả phân tích carbon cho thấy cuộn giấy có thể được viết vào khoản thế kỷ thứ 3 hoặc 4 SCN. Vào năm 1970, người ta lại tìm thấy En-Gedi ở gần Biển Chết, Israel. Khi đó, cuộn giất được đặt trong rương Thánh ở một giáo đường Do Thái. Tuy nhiên tòa nhà đã bị cháy, biến hòm thánh và cả cuộn giấy thành một cục tha cuổi có thể bị nghiền nát bất cứ lúc nào.


Cuộn giấy chép Kinh Thánh đã bị cháy thành than.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra được cách khả thi để đọc được nội dung cuộn giấy bởi chỉ cần chạm vào, nó sẽ bị phá hủy. Và lần này bằng kỹ thuật gọi là “volume cartography”(tạm dịch: “lập bản đồ khối”), các nhà nghiên cứu Mỹ và Israel đã có thể khám phá được nội dung bên trong của cuộn giấy. Kết quả cho thấy, cuộn giấy ghi lại những câu thơ mở đầu trong sách Lêvi, quyển thứ 3 của Kinh Thánh tiếng Do Thái.

Brent Seales, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Kentucky, người đã tham gia phát triển nên kỹ thuật đo đạc và thành lập bản đồ khối cho biết: “Chúng ta đang được đọc một cuộn giấy chưa từng được đọc trong hàng thiên niên kỷ qua. Nhiều người nghĩ rằng không thể nào đọc được cuộn giấy nữa nhưng kỹ thuật của nhóm đã làm được điều đó mà không cần phải tiếp cận về mặt vật lý tới cuộn giấy”.


Cuộn giấy chép Kinh Thánh với niên đại hơn 2000 năm đã bị cháy thành than, chỉ cần chạm vào là phân rã, vậy làm sao người ta đọc được nội dung của nó?​

Về cơ bản, công việc của nhóm nghiên cứu là tái tạo phiên bản ảo của cuộn giấy và sau đó thì “mở ảo” nó ra để đọc. Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu đã quét 3D toàn bộ những gì còn sót lại của En-Gedi nhằm hình thành nên mô hình 3D trên máy tính. Tiếp theo, mô hình sẽ được phân chia ra thành từng đoạn, thể hiện dưới dạng “các trang giấy” có chứa chữ viết. Trong quá trình này, bên cạnh việc kết hợp hàng trăm ảnh quét 3D với nhau, nhóm nghiên cứu còn sử dụng kỹ thuật trích xuất cấu trúc (texture) nhằm trích ra được dấu vết của mực từ dữ liệu, sau đó xác định độ sáng của các điểm ảnh, mật độ của vật liệu để tái tạo lại dấu vết của mực viết hồi xưa.

Cuối cùng, toàn bộ kết cấu sau khi phân tích từng đoạn sẽ được dàn phẳng ra và khi đó, họ sẽ có được một “bản đồ mảnh giấy” trong không gian 3 chiều, trong đó có các nét bút, các từ ngữ, ký tự và những khoảng trống. Vậy là cuối cùng, cuộn giấy quấn 5 vòng viết bằng tiếng Do Thái cách đây 2000 năm đã được “mở ảo” ra để đọc được nội dung bên trong. Michael Segal, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết cuộn giấy En-Gedi là “văn bản ghi chép kinh thánh lớn nhất được làm rõ trong suốt 1 thập kỷ qua”.


Nội dung ghi chép trong cuộn giấy đã được lộ diện sau khi “mở ảo” nó ra bằng phần mềm máy tính​.

Nhà nghiên cứu Pnina Shor cho biết: “Trông nó như một mẩu than củi. Chúng tôi chỉ còn biết mò mẫm trong đêm tối. Cái thu về được chính là một mẩu viết tay trên một vật liệu phẳng, trông giống như cuộn giấy. Bạn không thể tưởng tượng được niềm vui trong phòng thí nghiệm đâu”. Và việc đọc được đoạn ghi chép này đã lấp đầy một khoảng trống kéo dài suốt nhiều thế kỷ trong lịch sử Thánh Kinh.

Được biết một vài bản chép của Kinh Thánh tiếng Do Thái đã được phát hiện với niên đại từ đầu Công Nguyên cho tới đầu thời Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 5 SCN. Cuộn giấy En-Gedi gần như 100% được xác định là văn bản Trung Cổ, phù hợp cả về đặc điểm phụ âm lẫn cách phân đoạn, cho thấy rằng các bản sao của sách Lêvi không có gì khác biệt trong hàng ngàn năm qua.

 

Theo Tinh Tế